Xem mẫu

  1. XUẤT KHẨU CỦA KHU VỰC CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) TẠI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ KHUYẾN NGHỊ ThS. Lê Đức Nhã Trường Đại học Tôn Đức Thắng Tóm tắt Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao với những thành tựu nổi bật của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năng động. Minh chứng điển hình là tình hình xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam luôn đạt được những kết quả khả quan kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu và FDI là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Bài viết khái lược những lý thuyết về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và FDI. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích thực trạng thu hút FDI và xuất khẩu của khu vực FDI tại Việt Nam. Cuối cùng, một số khuyến nghị chính sách được bài viết đề xuất đối với cơ quan quản lý chuyên trách nhằm thu hút FDI hiệu quả phục vụ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Từ khóa: Chính sách; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Xuất khẩu 1. PHẦN MỞ ĐẦU Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhất là từ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007. Trong Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gia tăng xuất khẩu và thu hút FDI được nhận định là những cơ hội lớn mà quá trình hội nhập mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Một loạt những giải pháp tăng trưởng xuất khẩu đã được đưa ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó có nhóm giải pháp rà soát, điều chỉnh các chính sách về thu hút đầu tư FDI. Như vậy, thu hút FDI được xem là động lực để gia tăng xuất khẩu từ đó giúp mở rộng thị trường hiện hữu, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao năng lực cạnh tranh ở nhiều cấp độ và hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam định hướng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao và chế biến sâu, các sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến mở rộng quy mô thị trường khu vực và thế giới. Để thực hiện được những định hướng trên, với năng lực cạnh tranh hiện nay của các ngành nội địa, Việt Nam cần phải tăng cường thu hút nhà đầu tư FDI hướng đến xuất khẩu trên cơ sở tận dụng những điều kiện 113
  2. thuận lợi mở cửa thị trường của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nhà đầu tư FDI với những thế mạnh về công nghệ, thị trường và tài chính sẽ góp phần bổ khuyết và lan tỏa tích cực đến nền sản xuất trong nước, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Như vậy, xuất khẩu vừa đóng vai trò là động cơ của nhà đầu tư vừa là mục tiêu của nước nhận đầu tư. Xuất khẩu chính là nơi lợi ích giữa nhà đầu tư và địa phương nhận đầu tư giao nhau, tạo điều kiện thu hút FDI và gia tăng xuất khẩu cả về lượng và chất. Trong những năm gần đây, vai trò của khu vực FDI trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định. Trong năm 2018, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm gần 71,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng trưởng 12,3% so với năm 2017 (Tổng cục Thống kê, 2018). Thành tựu thu hút FDI sau 30 năm đổi mới rất đáng khích lệ. Cụ thể, so với năm 1988 - mốc thời gian Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, giá trị vốn FDI đăng ký đã tăng gấp gần 23 lần, vốn thực hiện gấp gần 45 lần vào năm 2018 (Tổng cục Thống kê, 2018). Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của GDP trong giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Hình 1: Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI và GDP trong giai đoạn 2007 - 2018 (%) 120% Xuất khẩu khu vực FDI GDP 100% 80% 60% 40% 20% 0% 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 -20% Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2007 - 2018 Hình 1 cho thấy nhịp độ biến động của xuất khẩu khu vực FDI và GDP là khá tương đồng với nhau trong giai đoạn 2007 - 2018, đặc biệt là tại thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2019, tốc độ tăng trưởng của cả hai biến số đều giảm sâu và lấy lại đà tăng trưởng chỉ một năm sau đó vào năm 2010. Điều này góp phần lý giải những đóng góp và ảnh hưởng của xuất khẩu khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này. 114
  3. 2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG 2.1. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu (Export-led/Trade-led growth hypothesis) và mối quan hệ giữa FDI, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Nhiều nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra và khẳng định tính hiệu lực của lý thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á và Đông Nam Á (Goh và cộng sự, 2017; Hye và cộng sự, 2013; Kubo, 2011; Lim và Ho, 2013; Tang và cộng sự, 2015; Tingvall và Ljungwall, 2012). Các học giả cho rằng, xuất khẩu giúp các quốc gia gia tăng hiệu suất sản xuất nhờ vào chuyên môn hóa sản xuất trên cơ sở lợi thế cạnh tranh từ đó giúp đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô (economy of scale), cắt giảm chi phí sản xuất và giá bán, mở rộng thị phần và quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, các nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế (Goh và cộng sự, 2017; Hsiao và Hsiao, 2006; Vogiatzoglou và Nguyen, 2016) cũng khẳng định mối quan hệ giữa các biến số trên trong trường hợp của các quốc gia châu Á và Đông Nam Á. Đặc biệt, tác động lan tỏa (spill-over effect) của FDI đối với xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa cũng được khẳng định trong nghiên cứu của Anwar và Nguyen (2011) về trường hợp của Việt Nam. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, sự hiện diện của khu vực FDI trong nền kinh tế sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp nội địa tăng cường xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, gia tăng hiệu quả xuất khẩu, từ đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước nhận đầu tư. Tương tự với trường hợp của Việt Nam, một nghiên cứu gần đây nhất của Anwar và Sun (2018) đối với trường hợp của Trung Quốc cũng chỉ ra sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI làm gia tăng chất lượng xuất khẩu (export quality) của các doanh nghiệp nội địa, từ đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia nhận đầu tư. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã khẳng định tác động lan tỏa xuất khẩu (export spillover) của các doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp nội địa (Alvarez, 2007; Anwar và Sun, 2016; Banga, 2006; Kneller và Pisu, 2007; Greenaway và cộng sự, 2004; Mayneris và Poncet, 2013; Sun, 2012). 2.2. Từ góc độ động cơ của nhà đầu tư FDI Nghiên cứu của Im (2016) chỉ ra rằng, quá trình hội nhập kinh tế khu vực đi kèm với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do khu vực (RTAs) sẽ kích thích dòng vốn FDI ngoại khối hướng đến xuất khẩu đầu tư vào các nước nội khối. Dòng vốn FDI hướng đến xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba (ngoài nước đầu tư và nước nhận đầu tư) được gọi là export-platform FDI. Trong khi đó, hai loại FDI còn lại được nghiên cứu này chỉ ra đó là FDI chiều ngang (horizontal FDI) và FDI chiều dọc (vertical FDI). Theo đó, FDI chiều ngang hướng đến phục vụ thị trường nội địa nước nhận đầu tư, trong khi FDI chiều dọc hướng đến xuất khẩu sản phẩm cuối cùng phục vụ thị trường nước đầu 115
  4. tư (re-export). Mối tương quan thuận chiều giữa FDI và RTAs được kết luận trong nghiên cứu của Im (2016) cho thấy quyết định lựa chọn địa điểm của nhà đầu tư FDI bị tác động bởi quá trình hội nhập kinh tế khu vực của nước nhận đầu tư. Các kết luận tương tự cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu của Li và cộng sự (2017), Li và cộng sự (2016) và Hayakawa và Matsuura (2017). Trong nghiên cứu của Franco (2013) cũng đề cập đến động cơ tìm kiếm thị trường (market-seeking) như là một yếu tố của quá trình lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI. Điều này hàm ý rằng, sự hiện diện của khu vực FDI trong nền kinh tế sẽ gia tăng xuất khẩu của nước nhận đầu tư thông qua gia tăng xuất khẩu của chính khu vực này và khu vực tư nhân trong nước thông qua tác động lan tỏa. Trong bối cảnh Việt Nam là nước có độ mở thương mại cao cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năng động với nhiều FTA, các nhà đầu tư FDI có xu hướng lựa chọn Việt Nam như một cánh cửa để tiến vào thị trường các quốc gia có ký kết FTA với Việt Nam để hưởng được những thuận lợi thương mại từ việc các rào cản được dỡ bỏ theo cam kết hội nhập. 3. THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀ XUẤT KHẨU CỦA KHU VỰC FDI 3.1. Sơ nét về dòng vốn FDI vào Việt Nam Trong giai đoạn 2007 - 2018, tốc độ tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam luôn đạt giá trị dương, ngoại trừ vào năm 2009, giá trị vốn FDI thu hút giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (Hình 1). Tuy nhiên, kể từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng thu hút FDI có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2016 - 2018 chứng kiến sự biến động nhẹ tuy nhiên vẫn chưa thật sự khả quan trong công tác thu hút FDI. Hình 1 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của dòng vốn FDI nhỉnh hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn 2007 - 2018. Hình 2 cho thấy tính đến cuối năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được số lượng dự án nhiều nhất, đạt 13.306 dự án với tổng giá trị 195,9 tỷ USD, chiếm lần lượt 48,5% và 57,5% tổng số dự án và tổng giá trị vốn FDI còn hiệu lực. Đáng chú ý, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ thu hút được 2.795 dự án, tuy nhiên tổng giá trị chỉ đạt hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 0,97% tổng giá trị vốn FDI còn hiệu lực. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thu hút được 491 dự án, chiếm 1,8% tổng dự án FDI, tổng giá trị đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 1,01% tổng giá trị vốn FDI còn hiệu lực. Đây là một con số còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam. Thu hút FDI trong lĩnh vực khoa học công nghệ chưa tạo được đột phá giúp các ngành sản xuất trong nước đặc biệt là nông lâm nghiệp tận dụng được tác động lan tỏa tích cực về công nghệ và thị trường. Điều này hạn chế khả năng chuyển đổi nền nông nghiệp hiện hữu theo hướng ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, có đến 17% giá trị vốn FDI chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản, điều này góp phần thúc đẩy tăng 116
  5. trưởng và làm sôi động thị trường bất động sản trong nước. Tuy nhiên, dòng vốn FDI cũng có thể gây ra những xáo trộn nhất định đối với thị trường này đặc biệt là tình trạng “bong bóng thị trường”. Hình 2: Cơ cấu vốn FDI theo ngành kinh tế tính đến 31/12/2018 (%) 1.01 23.54 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 0.97 Công nghiệp chế biến, chế tạo Hoạt động kinh doanh bất động sản Hoạt động chuyên môn, khoa học 57.48 và công nghệ 17 Khác Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2018 Xét về quốc gia đầu tư, tính đến hết năm 2018, Việt Nam thu hút chủ yếu nhà đầu tư FDI đến từ Hàn Quốc (18,37%), Nhật Bản (16,83%), Singapore (13,71%) và Đài Loan (9,21%). Các quốc gia ASEAN chiếm 7,34% trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 3,94% giá trị vốn FDI. Xét về địa phương thu hút đầu tư, tính đến hết năm 2018, các địa phương thu hút nhà đầu tư FDI chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ gồm Bình Dương (9,32%), Đồng Nai (8,41%), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,77%) và TP.Hồ Chí Minh (13,26%). Các địa phương khác có giá trị vốn FDI thu hút đáng kể bao gồm: (1) Đồng bằng sông Hồng có Hà Nội (9,72%), Bắc Ninh (5,07%) và Hải Phòng (5,18%); (2) Trung du và miền núi phía Bắc có Thái Nguyên (2,27%) và Bắc Giang (1,42%); (3) Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có Thanh Hóa (4,07%) và Hà Tĩnh (3,44%) và (4) Đồng bằng sông Cửu Long có Long An (2,17%) và Kiên Giang (1,39%). Khu vực Tây Nguyên có lượng vốn FDI chảy vào không đáng kể, toàn khu vực gồm năm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum chỉ chiếm 0,27% giá trị vốn FDI thu hút của cả nước. 3.2. Thành tựu xuất khẩu của khu vực FDI Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2018 (Hình 3). Với lợi thế về thị trường, công nghệ sản xuất và khả năng quản trị chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà đầu tư FDI đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng trưởng qua các năm trong giai đoạn. Ngoại trừ năm 2009 do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới làm giảm kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI luôn có tốc độ tăng trưởng dương và ổn định trong suốt những năm còn lại. 117
  6. Hình 3: Xuất khẩu của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước giai đoạn 2007 - 2018 (triệu USD) 200000 Khu vực FDI Khu vực kinh tế trong nước 180000 160000 140000 120000 100000 80000 60000 40000 20000 0 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2007 - 2018 Đóng góp của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Điều này tạo tác động lan tỏa cho các doanh nghiệp nội địa, góp phần gia tăng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Hình 3 cho thấy kể từ năm 2009, chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI và kinh tế trong nước ngày càng gia tăng. Đồng thời, nhịp độ biến động của kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tương đồng với khu vực FDI. Trong giai đoạn 2013 - 2017, các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, sản phẩm từ sắt thép, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ luôn là những mặt hàng mà khu vực FDI có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hình 4: Một số mặt hàng xuất khẩu chính của khu vực FDI giai đoạn 2013 - 2017 (triệu USD) 50000 Điện thoại các loại và linh 45000 kiện 40000 Máy vi tính, sản phẩm điện 35000 tử và linh kiện 30000 Hàng dệt, may 25000 20000 Giày dép các loại 15000 10000 Gỗ và sản phẩm gỗ 5000 0 Cà phê 2013 2014 2015 2016 2017 Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2013 - 2017 118
  7. Hình 4 cho thấy doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại chủ yếu là các sản phẩm gia công xuất khẩu, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều địa phương nhận đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá trị gia tăng mà Việt Nam nhận được từ hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI vẫn còn thấp. Đặc biệt đối với các sản phẩm của ngành dệt may và da giày, nguyên liệu chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến cho cơ hội được hưởng ưu đãi của các FTA do Việt Nam ký kết bị thu hẹp bởi nguy cơ bị vướng điều kiện về quy tắc xuất xứ. Do đó, khu vực FDI vẫn còn gặp khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng này, cũng như việc xuất khẩu các mặt hàng này chưa thực sự đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế Việt Nam. Các mặt hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cán mốc tỷ USD thuộc ngành nông lâm nghiệp, tuy nhiên, tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu của khu vực FDI vẫn chưa cao. Điều này cho thấy cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của ngành nông lâm nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhiều khởi sắc. 4. KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Một số khuyến nghị chính sách được bài viết đề xuất trên cơ sở thực trạng thu hút FDI và xuất khẩu của khu vực FDI nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI phục vụ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu: Thứ nhất, tăng cường thu hút các nhà đầu tư FDI có tiềm lực về công nghệ. Tiêu chí công nghệ cần được chú trọng trong quá trình sàng lọc, thẩm định và cấp phép đối với dự án FDI bên cạnh tiêu chí về tiềm lực thị trường. Công nghệ của nhà đầu tư FDI giúp gia tăng giá trị nhận được khi xuất khẩu, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia và hưởng lợi từ chuỗi cung ứng của nhà đầu tư FDI. Ngoài ra, yếu tố công nghệ còn đảm bảo yêu cầu “xuất khẩu xanh” và “tăng trưởng xanh” của nước nhận đầu tư đối với nhà đầu tư FDI. Thứ hai, định hướng thu hút FDI vào ngành nông lâm nghiệp với những sản phẩm chủ lực địa phương. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư FDI hướng đến xuất khẩu những sản phẩm của ngành nông lâm nghiệp, gia tăng giá trị nhận được cho nông dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Các nhóm chính sách mà Nhà nước cần quan tâm bao gồm ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, tiếp cận quỹ đất và thủ tục pháp lý. Thứ ba, khuyến khích thu hút FDI vào các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Những địa phương này có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đảm bảo tính ổn định và chất lượng của nguồn cung nông lâm thủy sản cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Thu hút FDI định hướng xuất khẩu vào các địa phương này còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm và thu ngân sách của địa phương. 119
  8. Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu của nhà đầu tư FDI. Để góp phần tận dụng hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp nội địa, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đảm bảo khu vực kinh tế trong nước có khả năng tiếp cận thông tin thị trường một cách chính xác và kịp thời nhất. Thứ năm, hỗ trợ hộ nông dân và các hợp tác xã trong đảm bảo tính ổn định và chất lượng nguồn cung nông lâm sản. Nhà nước cần xây dựng và đảm bảo thực hiện cơ chế hợp tác giữa nhà đầu tư FDI và các hộ nông dân, hợp tác xã tại địa phương nhận đầu tư nhằm đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp FDI sản xuất xuất khẩu, gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro đối với nhà đầu tư. Thứ sáu, chú trọng giám sát và can thiệp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của vốn FDI nói chung và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp FDI nói riêng. Hiện nay, chuyển giá và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là những hành vi tiêu cực của một số doanh nghiệp FDI “mượn đường” các quốc gia nhận đầu tư để trục lợi. Nhà nước cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự và hành lang pháp lý đầy đủ để kịp thời can thiệp và xử lý những hành vi tiêu cực của nhà đầu tư FDI liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo điều kiện làm việc, đãi ngộ lao động, nghĩa vụ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của nhà đầu tư FDI cũng cần được Nhà nước quan tâm và có biện pháp chế tài buộc nhà đầu tư FDI phải thực hiện nghiêm túc. 5. KẾT LUẬN Khu vực FDI có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi trong đó có Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu của khu vực FDI đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế nước nhận đầu tư thông qua giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, lan tỏa công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp nội địa xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút và quản lý hoạt động FDI gắn với định hướng xuất khẩu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tổng cục Hải quan (2013 - 2017). Niên giám thống kê hải quan về hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam 2013 - 2017. Nhà xuất bản Tài chính. 2. Tổng cục Thống kê (2007 - 2018). Niên giám Thống kê 2007 - 2018. Nhà xuất bản Thống kê. 3. Alvarez, R. (2007). Explaining export success: firm characteristics and spillover effects. World Development, 35(3), 377 - 393. 120
  9. 4. Anwar, S., & Nguyen, L. P. (2011). “Foreign direct investment and export spillovers: Evidence from Vietnam”. International Business Review, 20(2), 177 - 193. 5. Anwar, S., & Sun, S. (2016). “Foreign direct investment, domestic sales and exports of local firms: a regional perspective from China”. Journal of the Asia Pacific Economy, 21(3), 325-338. 6. Anwar, S., & Sun, S. (2018). “Foreign direct investment and export quality upgrading in China's manufacturing sector”. International Review of Economics & Finance, 54, 289 -298. 7. Banga, R. (2006). “The export-diversifying impact of Japanese and US foreign direct investments in the Indian manufacturing sector”. Journal of International Business Studies, 37(4), 558 - 568. 8. Franco, C. (2013). “Exports and FDI motivations: Empirical evidence from US foreign subsidiaries”. International Business Review, 22(1), 47 - 62. 9. Goh, S. K., Sam, C. Y., & McNown, R. (2017). “Re-examining foreign direct investment, exports, and economic growth in asian economies using a bootstrap ARDL test for cointegration”. Journal of Asian Economics, 51, 12 - 22. 10. Greenaway, D., Sousa, N., & Wakelin, K. (2004). “Do domestic firms learn to export from multinationals?”. European Journal of Political Economy, 20(4), 1027 - 1043. 11. Hayakawa, K., & Matsuura, T. (2017). “FTA use in export-platform FDI: evidence from exports to China by Japanese affiliates in ASEAN”. Journal of Southeast Asian Economies, 266 - 282. 12. Hsiao, F. S., & Hsiao, M. C. W. (2006). “FDI, exports, and GDP in East and Southeast Asia-Panel data versus time-series causality analyses”. Journal of Asian Economics, 17(6), 1082 - 1106. 13. Hye, Q. M. A., Wizarat, S., & Lau, W. Y. (2013). “Trade-led growth hypothesis: An empirical analysis of South Asian countries”. Economic Modelling, 35, 654 -660. 14. Im, H. (2016). “The effects of regional trade agreements on FDI by its origin and type: Evidence from US multinational enterprises activities”. Japan and the World Economy, 39, 1 - 11. 15. Kneller, R., & Pisu, M. (2007). “Industrial linkages and export spillovers from FDI”. World Economy, 30 (1), 105 - 134. 16. Kubo, A. (2011). “Trade and economic growth: Is export-led growth passé”. Economics Bulletin, 31(2), 1623 - 1630. 17. Lim, S. Y., & Ho, C. M. (2013). “Nonlinearity in ASEAN-5 export-led growth model: Empirical evidence from nonparametric approach”. Economic Modelling, 32, 136 -145. 18. Li, Q., Scollay, R., & Gilbert, J. (2017). “Analyzing the effects of the Regional Comprehensive Economic Partnership on FDI in a CGE framework with firm heterogeneity”. Economic Modelling, 67, 409 - 420. 121
  10. 19. Li, Q., Scollay, R., & Maani, S. (2016). “Effects on China and ASEAN of the ASEAN-China FTA: The FDI perspective”. Journal of Asian Economics, 44, 1 -19. 20. Mayneris, F., & Poncet, S. (2013). “Chinese firms' entry to export markets: the role of foreign export spillovers”. The World Bank Economic Review, 29(1), 150 - 179. 21. Sun, S. (2012). “The role of FDI in domestic exporting: Evidence from China”. Journal of Asian Economics, 23(4), 434 - 441. 22. Tang, C. F., Lai, Y. W., & Ozturk, I. (2015). “How stable is the export-led growth hypothesis? Evidence from Asia's Four Little Dragons”. Economic Modelling, 44, 229 - 235. 23. Tingvall, P. G., & Ljungwall, C. (2012). “Is China different? A meta-analysis of export-led growth”. Economics Letters, 115(2), 177 - 179. 24. Vogiatzoglou, K., & Nguyen, P. N. T. (2016). “Economic openness and economic growth: A cointegration analysis for ASEAN-5 countries”. The European Journal of Applied Economics, 13(2), 10 - 20. 122
nguon tai.lieu . vn