Xem mẫu

  1. SƠ LƯỢC VỀ HỆ THỒNG TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM ThS. Ngô Tiến Dũng Học viện Tài chính Tóm tắt: “Tài chính toàn diện là tất cả việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng”. Từ khóa: Liên minh tài chính toàn diện (AFI), Tài chính toàn diện (financial inclusion) Khái quát về tài chính toàn diện Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững. Liên minh Tài chính Toàn diện (AFI) định nghĩa về tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo đó, tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý; làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên; đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Tài chính toàn diện (financial inclusion) hiểu khái quát nhất là việc cung cấp vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tóm lại, tài chính toàn diện là tất cả việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện ở Việt Nam Kinh tế - xã hội Việt Nam sau 30 năm đổi mới và mở cửa đã có những chuyển biến ngoạn mục. Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sau thống nhất đất nước, Việt Nam đã gia nhập đội ngũ những nước có thu nhập trung bình của thế giới từ năm 2010, với qui mô kinh tế đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 200 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.109 USD năm 2015 (Tổng cục Thống kê, 2016). Cùng với đó là thành tích xóa đói giảm nghèo đáng ghi nhận, theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo từ mức 60% giảm xuống 20,7% trong vòng 20 năm (1990-2010), đồng nghĩa với việc đưa 30 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Hiện tại, vẫn có hơn 9% hộ nghèo nếu áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều. Dân số Việt Nam hiện tại là hơn 90 triệu người trong đó vẫn có 65% dân cư sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 95% của cả nước; 97% trong tổng số doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện là 1 trong 25 quốc gia có 75% dân số không được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng; Chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay của ngân hàng (WB, 2014). Ở Việt Nam, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh trong những năm qua thông qua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2016, hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm 04 ngân 268
  2. hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank), 03 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại, 02 ngân hàng chính sách, 28 ngân hàng thương mại cổ phần, 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 01 ngân hàng Hợp tác xã, 08 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 02 ngân hàng liên doanh, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.170 quỹ tín dụng nhân dân, 04 tổ chức tài chính vi mô. Mạng lưới hoạt động bao gồm 2.741 chi nhánh, 7.046 phòng giao dịch. Tính đến hết tháng 12/2016, tổng cộng cả nước có 17.472 ATM, 263.427 POS/EDC. Giá trị giao dịch qua ATM và POS tương ứng là 1.809 tỷ đồng và 250 tỷ đồng trong năm 2016. Các tổ chức tín dụng đã phát hành tổng cộng hơn 110 triệu thẻ nội địa và 7,8 triệu thẻ quốc tế, giá trị giao dịch qua thẻ tính riêng cho thẻ nội địa đã đạt 2.465 ngàn tỷ trong năm 2016. Các ngân hàng Việt Nam cũng cùng nhau phát triển mạnh kênh cung cấp dịch vụ qua Internetbanking và Mobile banking. Tính đến hết năm 2016, tất cả các ngân hàng Việt Nam đã triển khai dịch vụ Internet banking và 35 ngân hàng thương mại cổ phần cung ứng dịch vụ Mobile Banking. Trong những năm qua, thanh toán qua Internet đạt tốc độ tăng trưởng từ 30-50% năm và giá trị giao dịch đạt 7,2 triệu tỷ đồng năm 2016. Bên cạnh đó, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 20 tổ chức không phải là ngân hàng được triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ Ví điện tử, là một trong các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng bởi các công ty công nghệ thông tin và viễn thông tại Việt Nam. Giá trị giao dịch ví điện tử năm 2016 đã đạt 52,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn được tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp không ít trở ngại. Định hướng thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam Ở Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, các nội dung của tài chính toàn diện đã và đang được Chính phủ đặt thành những ưu tiên và triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam như các Chiến lược phát triển kinh - tế xã hội từng giai đoạn, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020 đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội; Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị; Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ cũng xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến những đối tượng của tài chính toàn diện ở Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ) đến nay đã thực hiện được 3 giai đoạn với đối tượng của chương trình là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) đã được triển khai thực hiện ở giai đoạn 2; Nhiều chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những vũng khó khăn; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Việt Nam cũng đã có một số chính sách nhằm thúc đẩy trực tiếp các hoạt động thuộc phạm vi của tài chính toàn diện. Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn được triển khai từ năm 2010 (còn gọi là Nghị định 41/2010/NĐ-CP) và đang được sửa đổi bổ sung để thực hiện phù hợp với tình hình mới. Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành được thực hiện từ 2006 và đến nay đang chuẩn bị triển khai cho giai đoạn thứ 3 (2016-2020); Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Và gần đây nhất, tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 269
  3. 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, những chính sách kể trên vẫn chưa được đặt trong một chiến lược tài chính toàn diện mang tính tổng thể, có thể tập trung tất cả nguồn lực và nỗ lực để hướng vào đúng đối tượng và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp một cách hiệu quả. Một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện có thể có ý nghĩa lớn lao về mặt phát triển xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, giúp cho mỗi người dân có thể được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế đem lại. Thông qua tiếp cận tài chính, mỗi người dân có cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm. Từ đó, Chiến lược tài chính toàn diện có thể góp phần đạt mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 142/2016/QH13 (bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước với GDP bình quân 5 năm tới 6,5-7%). Thực tế Chiến lược này được triển khai ở một số nước trong khu vực đã cho thấy sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, sự tồn tại của chiến lược tài chính toàn diện cũng có thể hỗ trợ thiết lập nền tài chính quốc gia lành mạnh thông qua việc phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng hơn và qua đó, cũng giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Điều này đồng thời cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thực thi những mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết với Liên Hợp Quốc. Nhận thức rõ vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện làm cơ sở để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực vào xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính; Quan tâm, ưu tiên đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, người nghèo nông thôn, phụ nữ…) nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng; Xây dựng cơ chế điều phối và phối hợp huy động tổng thể nguồn lực triển khai tài chính toàn diện hiệu quả (các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội, khu vực tư nhân…). Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-20120, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được giao làm cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, điều phối chung về tài chính toàn diện tại Việt Nam. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan để tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tài chính toàn diện ở Việt Nam; Phối hợp có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ để tận dụng nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức này để giúp Việt Nam xây dựng và triển khai tài chính toàn diện; Rà soát và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cần thiết trong hệ thống nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động và cung cấp nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng xa, vùng sâu, khó khăn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-nhin-tu-thuc-tien-78844.html 2. http://tapchinganhang.gov.vn/tai-chinh-toan-dien-la-mot-trong-nhung-trong-tam-phat- trien-kinh-te-xa-hoi.htm 3. http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-o-viet-nam-57216.html 4. http://www.thtg.vn/chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-tai-chinh-toan-dien-o-viet-nam/ 5. http://www.daotaomof.vn/bvct/chi-tiet/377/chuyen-de-32-mot-so-van-de-chung-ve-tai- chinh-toan-dien.html 270
nguon tai.lieu . vn