Xem mẫu

  1. QUYỀN SỐNG TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM ThS. Lê Khắc Đại1 Đặt vấn đề Quyền sống là quyền cơ bản của con người và được nhiều nhà tư tưởng thời cổ đại, các tôn giáo đề cập đến yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền sống của con người, theo đó,không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền xâm phạm đến quyền sống của con người. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, nội dung quyền sống của con người ngày càng được cụ thể hóa trong pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm quyền sống của con người.Qquyền sống đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của quốc tế, của các quốc gia khác nhau và của nước ta như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989… Ngoài ra, quyền sống cũng được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ cũng như trong Hiến pháp của nhiều quốc gia. Sự ghi nhận quyền sống trong các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc gia đã tạo lập cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh bảo vệ quyền sống của người. Bảo đảm quyền sống không chỉ là bảo đảm an toàn tính mạng mà còn phải bảo đảm các điều kiện sống an toàn, như quyền được an toàn, quyền được sống trong môi trường trong lành… Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây là việc bãi bỏ hoặc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 và sự tranh luận cũng chưa có hồi kết. Có quan điểm ủng hộ, có quan điểm phản đối và chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những “hạt nhân hợp lý” của các những quan điểm này. Song, việc duy trì, bãi bỏ hình phạt tử hình trong mối tương quan với việc bảo đảm quyền sống của con người và duy trì trật tự xã hội trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cần phải được cân nhắc một cách thận trọng. 1. Quyền sống trong pháp luật Việt Nam Có thể khẳng định, việc ghi nhận quyền được sống trong pháp luật Việt Nam là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng, thể hiện quan điểm, lập trường của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.Trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; 1 Giảng viên Bộ môn Luật Công Pháp Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế 38
  2. trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Trong suốt cuộc trường chi đấu tranh giải phóng dân tộc, không mục đích nào cao cả hơn là giải phóng con người, bảo đảm cho con người có quyền sống. Trong các bản Hiến pháp Việt Nam vấn đề quyền con người (có những giai đoạn gọi là quyền công dân) cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến quyền sống của con người. Việc ghi nhận quyền sống trong pháp luật Việt Nam phản ánh sự nhận thức, ghi nhận phù hợp với sự phát triển và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đã dành sự quan tâm đặc biệt về vấn đề quyền con người, trong 70 điều thì có 18 điều quy định tập trung về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Hiến pháp 1959 với 10 chương, 112 điều, trong đó có 21 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp năm 1980, có 29 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại (Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12 tháng 7 năm 1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” của Ban Bí thư Trung ương Đảng) đã thể hiện cách nhìn nhận mới về quyền con người trong bối cảnh mới. Do đó, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 thì chương quy định Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm 34 điều. Hiến pháp 2013 - bản hiến pháp của quyền con người đã có nhiều nội dung mới về quyền con người, trong đó có quyền sống. Điều 19 Hiến pháp quy định "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật." Hiến pháp cũng bổ sung một nguyên tắc hiến định đó là: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng." (Điều 14). Có thể nói quy định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 là một quy định mới hết sức tiến bộ khẳng định giá trị nhân văn của bản Hiến pháp nói chung cũng như sự xác lập quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội, nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao. Đồng thời việc xác lập quyền sống còn khẳng định rằng Việt Nam chúng ta luôn luôn thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết quốc tế về nhân quyền đối với Liên Hiệp Quốc, chúng ta luôn thực hiện một cách nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế về nhân quyền mà mình là thành viên. 39
  3. Việc hiến định quyền sống là một trong những sự phát triển tiến bộ lớn trong chế định về quyền con người, quyền công dân, chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Việc hiến định quyền sống cũng được xem là bước ghi nhận rõ rệt đối với những cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền được sống của tất cả mọi người, ngày càng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Nội dungquyền sống không chỉ là sự duy trì sự tồn tại về mặt sinh học mà còn bao gồm cả việc bảo đảm cuộc sống an toàn và chất lượng cho con người, nghĩa là nhà nước có trách nhiệm trong việc bảo đảm môi trường tự nhiên và xã hội an toàn cho cuộc sống của con người. Mọi hành vi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người đều phải được giảm thiểu một cách hiệu quả. Ngoài ra, có thể khẳng định, quyền sống trong Hiến pháp 2013 về cơ bản đã phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo đó, "Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện" 2. Các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp phòng chống và trừng trị việc tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra. Liên quan đến vấn đề này, việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống, do đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng chống và điều tra các vụ việc về bắt cóc, mất tích của cá nhân. 2. Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam Các nghiên cứu về hình phạt tử hình ở trong nước cũng như ở nước ngoài 3 đều thống nhất đây là hình phạt truyền thống, có từ lâu đời, là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan, là phương tiện để bảo vệ mình của xã hội chống lại sự vi phạm các điều kiện tồn tại của nó. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống các hình phạt được nhà nước áp dụng vì nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.4 Mục đích của hình phạt tử hình là sự phản ánh rõ nét bản chất xã hội, bản chất giai cấp của hình phạt nói chung và hình phạt tử hình 2 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. 3 Xem thêm: - Vũ Thị Thúy, Hình phạt tử hình trong Luật hình sự thế giới qua các thời kỳ lịch sử, Tạp chí Khoa học pháp lý số 6, tháng 12/2006. - Nguyễn Xuân Yêm, Án tử hình và các phương thức tử hình trên thế giới, http://www.hvcsnd.edu.vn/vn/Acedemy/Xa-hoi/86/780/An-tu-hinh-va-cac-phuong-thuc-tu-hinh-tren-the-gioi.aspx. - Hội thảo quốc tế "Nghiên cứu so sánh về hình phạt tử hình: luật của các nước trong khu vực và thực tiễn áp dụng" do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Luật châu Á Đại học Melbourne – Úc tổ chức ngày 03/03/2017. 4 Trịnh Quốc Toản, Hình phạt tử hình trong Luật hình sự Việt Nam một số kiến nghị và hoàn thiện,Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 4(241)/2012, tr. 22-29. 40
  4. nói riêng. Trước đây, nếu các nhà làm luật quan niệm người phạm tội là kẻ đã gây ra tội ác và ác giả ác báo, phải trừng trị thích đáng thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng hình phạt tử hình. Các hình thức thi hành hình phạt tử hình trong trường hợp đó cũng dã man, tàn khốc hơn, thể hiện mục đích “trả thù” người phạm tội. Dần dần các quan điểm tiến bộ, nhân đạo về hình phạt tử hình đã thay thế nên tuy vẫn duy trì ở đa số các nước nhưng hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với người phạm tội như là biện pháp cuối cùng và nghiêm khắc nhất để “ trừng trị” họ.5 Tại Việt Nam, hình phạt tử hình cũng đã được duy trì từ khi xuất hiện nhà nước cho đến nay. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, hình phạt tử hình không những được coi là biểu tượng thể hiện uy quyền của nhà nước mà còn là phương tiện trả thù của người bị hại thông qua nhà nước đối với người phạm tội theo kiểu “nợ máu phải trả bằng máu”. Vì vậy, hình phạt tử hình phù hợp với lòng dân, thỏa mãn đòi hỏi được trả thù và phù hợp tư tưởng đạo đức, lễ giáo của xã hội phong kiến. Hình phạt tử hình đã được áp dụng từ thời cổ đại và được ghi nhận trong những văn kiện cổ xưa nhất của nhân loại hiện còn lưu giữ được. Thêm vào đó, nhiều phong tục tập quán còn tồn tại ở một số bộ lạc hiện nay cũng cho thấy hình phạt tử hình đã là một phần trong cơ chế tư pháp của xã hội loài người ngay từ thuở sơ khai.6 Trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng hình phạt tử hình cũng đã mang lại hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, song “việc duy trì hình phạt tử hình là không nhân đạo, là sự vi phạm nhân quyền vì đã tước bỏ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống cho dù với bất kỳ lý do nào; Duy trì hình phạt tử hình sẽ không còn điều kiện giáo dục, cải tạo người phạm tội do đó mục đích của hình phạt không đạt được; Người bị áp dụng hình phạt tử hình nếu họ bị oan sẽ không còn khả năng khắc phục những sai lầm của các cơ quan tư pháp. Hình phạt tử hình không những là biện pháp quá hà khắc đối với người phạm tội mà còn gây tổn thương đến người thân thích của họ nhất là đối với người chưa thành niên và cuối cùng hình phạt tử hình không những không làm giảm tình hình tội phạm (phòng ngừa chung) mà còn là mầm mống của sự chống đối và bất ổn xã hội”7 và đây được nhìn nhận là căn nguyên phát sinh những tranh luận đòi hỏi phải xóa bỏ 5 Đoàn Ngọc Hải, Hình phạt tử hình – một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn và hướng đề xuất hoàn thiện, truy cập ngày, 01/07/2015, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1820. 6 Nguyễn Ngọc Chí, Một số suy nghĩ về hình phạt tử hình trong Luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học 28 (2012) 42. 7 Nguyễn Ngọc Chí, Một số suy nghĩ về hình phạt tử hình trong Luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học 28 (2012) 43. 41
  5. hình phạt tử hình. Trong tương lai, Nghị quyết số 49N-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhấn mạnh việc “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đây là cơ sở quan trọng cho kiến nghị cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam8. Bộ luật Hình sự 2015 quy định “tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; b) Người đủ 75 tuổi trở lên; c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Đối với các trường hợp không áp thi hành án tử hình hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.”9 Từ quy định của Bộ luật hình sự, các quan điểm tranh luận, chúng ta nhận thấy Việt Nam tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình, nhưng chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp ở một số loại tội phạm nhất định cho thấy xu hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình của các nhà làm luật Việt Nam. Việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, không vi phạm công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trịvì công ước này đòi hỏicác quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, cụ thể là chỉ được áp dụng hình phạt này với "những tội ác nghiêm trọng nhất", căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện; việc giới hạn áp dụng hình phạt tử hình cũng được coi là một hình thức bảo đảm quyền sống. 3. Vấn đề duy trì hinh phạt tử hình và bảo đảm quyền sống trong luật hình sự Việt Nam hiện nay 8 Xem thêm: Nguyễn Ích Sáng, Cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=17. Phương Thảo, Có nên xóa bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự?, truy cập ngày 06/08/2013, http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao- doi/201308/co-nen-xoa-bo-hinh-phat-tu-hinh-trong-bo-luat-hinh-su-291923/. 9 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015. 42
  6. Thứ nhất, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị yêu cầu các quốc gia chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với"những tội ác nghiêm trọng nhất" và đây cũng là tiêu chí quan trọng cho việc áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 chỉ xác định nhóm tội phạm có thể bị áp dụng hình phạt tử hình, song thực tiễn quy định hình phạt đối với các tội phạm này thì lại áp dụng nhiều loại hình phạt khác nhau, nhưng không có tiêu chí để áp dụng hình phạt tử hình, thậm chí một số tội không áp dụng hình phạt tử hình, nhưng vẫn nằm trong nhóm các tội có thể áp dụng hình phạt tử hình. Chẳng hạn, đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội sau không quy định hình phạt tử hình: Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội10; Tội phá hoại chính sách đoàn kết11; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam12; Tội phá rối an ninh13; Tội chống phá cơ sở giam giữ14; Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân15; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân16 và chúng ta cũng có thể tiếp tục kiểm tra cách quy định của Bộ luật hình sự 2015 mặc dù Bộ luật hình sự có “thòng” vào quy định do Bộ luật này quy định. Vì cách quy định này sẽ không bảo đảm phân hóa việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một số nhóm tội. Do đó, để có thể xác định rõ nội hàm của khái niệm “tội phạm nghiêm trọng nhất” – cơ sở để áp dụng hình phạt tử hình trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị với việc phân loại tội phạm đòi hỏiphải xác định được nguyên tắc áp dụng hình phạt tử hình trong từng nói tội phạm vụ thể. Thứ hai, để bảo đảm tính nghiêm minh của hình phạt tử hình, chúng tôi kiến nghị, với các trường hợp được Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình thì không được áp dụng thời hiệu thi hành án, không được miễn chấp hành hình phạt, không được giảm hình phạt, kể cả trong trường hợp đặc biệt Thứ ba, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu và cho áp dụng các hình phạt thay thế hình phạt tử hình mà những quốc gia khác đã áp dụng hiệu quả và có tính khả thi cao ví dụ như áp dụng án tù chung thân không có khả năng mãn hạn đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng như Anh, Thụy Điển… Nó vừa đảm bảo quyền sống của những 10 Xem Điều 115 Bộ luật hình sự 2015. 11 Xem Điều 116 Bộ luật hình sự 2015. 12 Xem Điều 117 Bộ luật hình sự 2015. 13 Xem Điều 118 Bộ luật hình sự 2015. 14 Xem Điều 119 Bộ luật hình sự 2015. 15 Xem Điều 120 Bộ luật hình sự 2015. 16 Xem Điều 121 Bộ luật hình sự 2015. 43
  7. người phạm tội có nguy cơ cao bị tuyên án tử hình nhưng vẫn đảm bảo được sự cách ly những đối tượng nguy hiểm này khỏi xã hội cũng như đảm bảo rằng nếu có oan sai thì cơ hội khắc phục vẫn còn khi mà người bị kết án vẫn còn sống. Vì thực tế không có bảo đảm chắc chắn nào quy trình tố tụng không có những sai xót có thể dẫn tới oan sai. Thứ tư, chúng ta cần công khai số liệu cụ thể về số lượng các tội phạm đã bị tuyên an tử hình cũng như số đã bị thi hành án và số đang chờ thi hành án. Từ đó có nghiên cứu so sánh và đánh giá đầy đủ về hiệu quả của hình phạt tử hình đó với các loại tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình đối với diễn biến tội phạm liên quan là tăng hay giảm qua các năm từ đó có chính sách phù hợp đối với việc duy trùy hay bãi bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội đó. Hoặc áp dụng các biện pháp khác phù hợp hơn nhằm kiềm chế và loại bỏ tội phạm nhưng vẫn đảm bảo quyền sống của các đối tượng vi phạm. Thứ năm, lập pháp là thẩm quyền của Quốc hội tuy nhiên theo tác giả trong việc bãi bỏ, thu hẹp hay duy trùy hình phạt tử hình nên lấy ý kiến trực tiếp người dân theo hình thức trung cầu dân ý vì hình phạt tử hình là vấn đề không những liên quan đến đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mà còn liên quan đến tâm lý, tình cảm khả năng nhận thức pháp luật và xã hội của người dân cũng như chính sách đối ngoại của nhà nước. Vì vậy loại bỏ hay duy trùy hình phạt tử hình trong Luật hình sự cần được tiến hành thông qua thủ tục trưng cầu dân ý (nội dung này đã được quy định trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013) Việc trưng cầu dân ý về vấn đề này không những thể hiện thái độ của nhà nước tôn trọng nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của quốc gia mà còn là cơ sở để nhà nước ra quyết sách đúng về sự tồn tại của hình phạt tử hình. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 2. Bộ luật hình sự 1985 3. Bộ luật hình sự 1992 4. Bộ luật hình sự 1999 5. Bộ luật hình sự 2015 6. Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị 1966 7. Tuyên ngôn nhân quyền 1948 8. Vũ Thị Thúy, Hình phạt tử hình trong Luật hình sự thế giới qua các thời kỳ lịch sử, Tạp chí Khoa học pháp lý số 6, tháng 12/2006. 44
  8. 9. Nguyễn Xuân Yêm, Án tử hình và các phương thức tử hình trên thế giới, http://www.hvcsnd.edu.vn/vn/Acedemy/Xa-hoi/86/780/An-tu-hinh-va-cac-phuong- thuc-tu-hinh-tren-the-gioi.aspx. 10. Hội thảo quốc tế "Nghiên cứu so sánh về hình phạt tử hình: luật của các nước trong khu vực và thực tiễn áp dụng" do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Luật châu Á Đại học Melbourne – Úc tổ chức ngày 03/03/2017. 11. Trịnh Quốc Toản, Hình phạt tử hình trong Luật hình sự Việt Nam một số kiến nghị và hoàn thiện,Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 4(241)/2012, tr. 22-29. 12. Đoàn Ngọc Hải, Hình phạt tử hình – một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn và hướng đề xuất hoàn thiện, truy cập ngày, 01/07/2015, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1820. 45
nguon tai.lieu . vn