Xem mẫu

  1. PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO ĐÁP ỨNG NHU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP Hà Lệ Thủy TÓM TẮT: Tội phạm công nghệ cao hay còn được gọi là tội phạm mạng chính là các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật hình sự. Tính mới của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ các tội phạm này luôn gắn với các thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về máy tính và có sự cập nhật liên tục về sự thay đổi và phát triển của khoa học công nghệ. Do đó, chủ thể phát hiện và xử lý tội phạm cũng đòi hỏi phải là người am hiểu, có kiến thức hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có những quy định mới và tội phạm hóa một số hành vi liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy sự quan tâm và chú trọng của nhà nước đến việc đấu tranh phòng chống các tội phạm công nghệ cao và cũng cho thấy được chính sách của Nhà nước trong việc tăng cường bảo vệ an ninh mạng vốn có sự ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh khu vực và thế giới. Trên cơ sở phân tích những điểm mới của Bộ luật hình sự Việt Nam về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, so sánh với các quy định của pháp luật hình sự trước đây, bài viết xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trên cơ sở xác định được nhóm tội phạm này vừa mang đặc điểm và tính chất của tội phạm xuyên quốc gia, vừa xâm hại tới nhiều quan hệ xã hội khác nhau, bài viết cũng sẽ đề xuất một số giải pháp có tính khoa học và thực tiễn góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp hình sự. Từ khóa: an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ABSTRACT: High-tech crime, also known as cybercrime, is crimes in information technology and telecommunications networks in accordance with the criminal law. The novelty of this type of crime is reflected in the fact that these crimes are always associated  TS. GVC. Phó Trưởng Khoa Luật hình sự, Trường Đại học luật, Đại học Huế; Email: thuyhl@hul.edu.vn 185
  2. with high-tech equipment, requiring the operator to have knowledge of computers and to have constant updates on the changes and development. development of science and technology. Therefore, criminal detection and handling entities are also required to be knowledgeable, knowledgeable or experienced in the information technology field. The Vietnam Criminal Code 2015 amended and supplemented in 2017 had new regulations and criminalized a number of acts related to the information technology sector. This shows the attention and attention of the state to the fight against high-tech crimes and also shows that the State's policy in enhancing cybersecurity protection has an impact small to regional and world security. Based on the analysis of new points of the Vietnam Penal Code on crimes in the information technology sector, compared with previous criminal law provisions, the article identifies the importance of security protection in the information technology sector. On the basis of determining that this criminal group has the characteristics and nature of transnational crime and harms many different social relations, the article will also propose a number of scientific solutions, the article will also propose a number of scientific and practical solutions to contribute to the criminal justice reform. Keywords: non-traditional security, cybersecurity, high-tech crime, information technology crime 1. Khái niệm tội phạm công nghệ cao Từ trước đến nay, nghiên cứu các tài liệu pháp lý, có thể thấy rằng, hầu hết các tài liệu đều nhắc đến và sử dụng các thuật ngữ khác nhau khi đề cập đến tội phạm công nghệ cao. Chẳng hạn các thuật ngữ như: tội phạm máy tính (computer crime), tội phạm mạng (cybercrime), tội phạm sử dụng công nghệ cao (high-tech crime) được dùng để chỉ tội phạm có yếu tố công nghệ cao. Do đó việc xác định tội phạm công nghệ cao là như thế nào, được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp có có ý nghĩa nhất định, để từ đó xác định được mục đích phòng ngừa cho phù hợp. Với việc sử dụng thuật ngữ “tội phạm công nghệ cao”, hiện nay luật pháp của nhiều nước trên thế giới như Australia, Mỹ, Anh đã có định nghĩa liên quan đến tội phạm này. Chẳng hạn như trong luật hình sự năm 1995 của Australia quy định tội phạm công nghệ cao 186
  3. “là sự xâm nhập máy tính một cách trái phép; sự sửa đổi trái phép dữ liệu bao gồm việc phá hủy dữ liệu; tấn công từ chối dịch vụ (DoS); Tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DdoS) có sử dụng botnets; tạo ra và phân phối phần mềm độc hại”1. Tội phạm công nghệ cao được hiểu là những hành vi phạm pháp có chủ đích đối với một cá nhân, một nhóm người hay một tổ chức nào đó, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nạn nhân hoặc gây hại về mặt vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng những công nghệ hiện đại liên quan đến mạng viễn thông như Internet (việc này cũng bao gồm các nhóm chat, email, mạng xã hội,....) và điện thoại (các công nghệ Bluetooth, 3G, SMS, MMS,...2 Với việc sử dụng thuật ngữ tội phạm máy tính, trong các tài liệu nước ngoài, trước đây các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ tội phạm máy tính hay tội phạm mạng để chỉ những hành vi vi phạm luật hình sự được thực hiện trên mạng máy tính. Các nhà tội phạm học trên thế giới đã đưa ra khái niệm: tội phạm máy tính là các hành vi tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự hoạt động của máy tính, mạng máy tính, các thiết bị ngoại vi, các cơ sở dữ liệu, các quá trình điều khiển dựa trên sự hoạt động của các thiết bị tin học nhằm mục đích phá hoại, lừa đảo, che dấu, đánh cắp thông tin. Các hành vi lạm dụng máy tính, mạng máy tính để tiến hành những hoạt động gây nguy hại cho xã hội.3 Việc sử dụng máy tính ngày càng rộng đã dẫn đến tội phạm liên quan đến máy tính phát sinh. Trong khoảng thời gian tồn tại của internet, nhiều thay đổi đã xảy ra khiến cho cho các pháp nhân, cá nhân đã có những cách thức giao dịch mới bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng của việc sử dụng internet, điều này cũng dẫn đến việc tạo ra một loạt các hoạt động tội phạm, khiến cho người dùng gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm. Các dạng tội phạm này được thực hiện nhằm hướng tới việc lừa đảo cá nhân, tổ chức, xâm nhập và làm phá vỡ hệ thống tài chính ngân hàng để thu lợi nhuận, thậm chí tấn công trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em hay làm gián đoạn các dịch vụ trực tuyến. Bọn tội phạm đã thành công trong việc chuyển đổi tội phạm theo hình thức truyền thống thành tội phạm hiện đại được thực hiện một cách dễ dàng 1 Xem Hoàng Việt Quỳnh, Một số trao đổi về tội phạm sử dụng Công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam,Tạp chí Khoa học giáo dục cảnh sát nhân dân, số 79, tháng 8/2016 2 Halder, D., & Jaishankar, K. (2011), Cyber crime and the Victimization of Women: Laws, Rights, and Regulations. Hershey, PA, USA: IGI Global. ISBN 978-1-60960-830-9. 3 Nguyễn Xuân Yêm (2001), Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.507 187
  4. thông qua thiết bị điện tử là một máy tính xách tay hay một chiếc điện thoại thông minh. Rõ ràng là mạng internet cũng đã là mảnh đất màu mỡ cho bọn tội phạm sử dụng, lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc để che giấu hành vi, che giấu danh tính của bọn chúng. Điều này đã làm gia tăng đáng kể các tội phạm tình dục và tài chính, lừa đảo, trộm cắp rửa tiền… Ở châu Âu, các nước cũng đã có những chính sách và chiến lược chống lại tội phạm công nghệ cao. Đây được xem là một trong những loại tội phạm có tổ chức thậm chí còn có yếu tố xuyên quốc gia. Các nước G8 cũng đã đưa ra bản thỏa thuận về Nguyên tắc và kế hoạch hành động để chống lại tội phạm công nghệ cao trong đó có 10 nguyên tắc về tội phạm công nghệ cao, 25 khuyến nghị về tội phạm có tổ chức. Trong khi đó, Hội đồng châu Âu (EU) cũng đã thành lập ủy ban chuyên gia về tội phạm trong không gian mạng vào tháng 2/1997, tức là chỉ một thời gian ngắn sau khi nhóm G8 đưa ra các khuyến nghị nói trên và ban hành Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng. Các tổ chức này đã liên kết với nhau vì có cùng chung quan điểm và mối quan tâm hàng đầu đến tội phạm công nghệ cao, sau đó đã đi đến cuộc họp về “hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, bóc lột tình dục, tội phạm có tổ chức” dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh (chủ tịch EU) và tháng 3/19984. Có thể nói rằng, công ước của Hội đồng châu âu về tội phạm mạng là thành tựu có ý nghĩa nhất thể hiện phản ứng của quốc tế đối với loại tội phạm này. Mục tiêu của công ước là đảm bảo sự hài hòa trong luật hình sự của các nước trong việc quy định tội phạm, đồng thời đưa ra quy chế nhằm thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xử lý tội phạm, nhất là tội phạm mạng có tính chất xuyên quốc gia. Ở Việt Nam, cho đến hiện nay không có nhiều công trình nghiên cứu đưa ra khái niệm về loại tội phạm này. Trong cuốn sách Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, một trong ít công trình sớm nhất nghiên cứ về tội phạm công nghệ cao, tác giả đã cho rằng: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là một loại tội phạm mới đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, an ninh, quốc phòng ở nhiều nước trên thế giới.5 Hay “Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng những thành tựu công nghệ cao làm công 4 Hans Joachim Schneider (2009), Internationales Handbuch der Kriminologie, Band 2: Besondere probleme der Kriminologie, De Gruvter Recht, Berlin. 5 Nguyễn Xuân Yêm (2001), Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.506 188
  5. cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội” 6. Cách định nghĩa này mang tính chung chung. Trong một số công trình nghiên cứu khác, các tác giả cũng đã cố gắng đưa ra khái niệm về tội phạm này một cách cụ thể hơn. Chẳng hạn như, tội phạm sử dụng công nghệ cao là “Tội phạm được thực hiện bằng việc cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”7. Hay, tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, có thể gây tổn hại tới quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, quốc gia8. Theo Khoản 1 điều 3 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”. Đồng thời tại khoản 1 điều 3 của Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Như vậy có thể nhận xét rằng, hiện nay có nhiều cách gọi và sử dụng thuật ngữ khác nhau để đề cập đến tội phạm có yếu tố công nghệ cao tùy thuộc vào cách tiếp cận và đánh giá về bản chất của hành vi phạm tội. Dưới góc độ bài báo, tác giả cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ tội phạm công nghệ cao cũng có tính bao quát. Nó đang được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật có liên quan và là xu hướng sử dụng của các nước trên thế giới hiện nay. Chính vì vậy, có thể rút ra khái niệm về tội phạm công nghệ cao như sau: Tội 6 Cao Anh Đức, Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(296), tháng 8/2015 7 Hoàng Việt Quỳnh, Một số trao đổi về tội phạm sử dụng Công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam,Tạp chí Khoa học giáo dục cảnh sát nhân dân, số 79, tháng 8/2016 8 Đinh Thế Hưng, Lê Thị Hồng Xuân, Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2019 189
  6. phạm công nghệ cao là tội phạm có sử dụng các thiết bị công nghệ, thiết bị số để thực hiện hành vi phạm tội làm xâm phạm đến an ninh mạng máy tính, điện tử, viễn thông hoặc xâm hại đến những lĩnh vực khác có liên quan. 2. Tội phạm công nghệ cao theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành Nghị quyết 49/NQ TW về chiến lược cải cách tư pháp (Nghị quyết 49) đã đề ra các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp tại mục 2.1. Cụ thể là: Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật... Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế9. Với nhiệm vụ này, có thể thấy chính sách hình sự rõ ràng và nhất quán trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự bằng việc tội phạm hóa, hình sự hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực công nghệ đã được nêu rõ trong Nghị quyết 49. BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 ra đời thay thế BLHS năm 1999 sửa đổi đã có những sửa đổi, bổ sung đáng kể, trong đó có những điểm mới liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Trên cơ sở nhận thức về các hành vi phạm tội liên quan đến công nghệ cao, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước, có thể phân tội phạm này làm hai nhóm: nhóm các tội phạm có liên quan trực tiếp đến công nghệ cao hay còn gọi là nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhóm các tội phạm có dấu hiệu lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội a. Nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin Đây là nhóm tội sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính, là những tội thuần túy xâm phạm đến trật tự an toàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi BLHS 1999 chỉ quy định 5 tội danh liên quan trực tiếp đến tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì BLHS 2015 đã dành riêng một mục để quy định về nhóm tội này tại mục 2 chương XXI, BLHS với 9 tội danh. 9 Xem Nghị quyết sô 49/NQ-TW Đảng ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách đến năm 2020 190
  7. Bảng so sánh quy định của BLHS 1999 với BLHS 2015 về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông10 BLHS 1999 BLHS 2015 Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật Điều 224. Tội tạo ra và lan truyền, phát Điều 286. Tội phát tán chương trình tin tán các chương trình vi - rút tin học học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử Điều 225. Tội vi phạm các quy định về Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn tính điện tử thông, phương tiện điện tử Điều 226. Tội sử dụng trái phép thông tin Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép trên mạng và trong máy tính thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông Điều 226a.Tội truy cập bất hợp pháp vào Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc Internet hoặc thiết bị số của người khác phương tiện điện tử của người khác Điều 226b.Tội sử dụng mạng máy tính, Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hiện hành vi chiếm đoạt tài sản Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng Điều 293. Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh Điều 294. Tội cố ý gây nhiễu có hại 10 Xem Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 191
  8. Chúng tôi cho rằng, việc mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với tội phạm mà trước đó đã được quy định trong BLHS 1999 (Điều 226b) hay việc tội phạm hóa một số hành vi mới trong BLHS 2015 (Điều 285, Điều 291, Điều 293, Điều 294) cùng với việc quy định thành một mục riêng cho thấy được tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, đồng thời cũng cho thấy được sự chủ động kịp thời trong chủ trương và chính sách của nhà nước về đấu tranh và xử lý đối với nhóm tội phạm này. Một điểm mới nữa đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự đối với nhóm tội phạm này, đó chính là việc xây dựng các dấu hiệu định lượng thiệt hại trong cấu thành tội phạm. Có thể nói rằng việc quy định dấu hiệu định lượng trong cấu thành các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin xuất phát từ nhu cầu thống nhất về nhận thức và áp dụng các quy định về dấu hiệu định tội và định khung hình phạt để xác định tội phạm và khung hình phạt, đối với những cấu thành tội phạm mô tả định tính thiệt hại do tội phạm gây ra11. Trong khi đó, hậu quả của tội phạm là thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông có thể là những thiệt hại đó vô cùng lớn, những thiệt hại đó cần phải xác định ở mức độ cụ thể để từ đó làm căn cứ xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. BLHS 1999 chỉ quy định dấu hiệu hậu quả mang tính chất định tính “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc thậm chí không quy định dấu hiệu hậu quả mà chỉ có hành vi cộng với dấu hiệu nhân thân “đã bị xử lý kỉ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” làm dấu hiệu định tội. Điều này đã khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội vì khó có thể chứng minh được dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng là như thế nào. Trên cơ sở thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, BLHS 2015 đã thay thế dấu hiệu định tính nói trên bằng các dấu hiệu có tính định lượng đồng thời cũng là các dấu hiệu để định tội hoặc định khung hình phạt như: “thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên”, “gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên”, “lây nhiễm từ 50 phương tiện điện tử trở lên”… Việc cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả cùng với các dấu hiệu định tội, định khung khác là điều cần thiết và qua đó tránh được các trường hợp truy tố oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nguyễn Quý Khuyến, Dấu hiệu định lượng thiệt hại của các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 11 mạng viễn thông theo Bộ luật hình sự năm 2015, Tạp chí Kiểm sát số 18/2017 192
  9. Bên cạnh việc xây dựng các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hơn, sự thay đổi các chế tài xử lý nhóm tội này cũng đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Trong các nhiệm vụ cải cách tư pháp, vấn đề “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”12 cũng được đặt ra. Chính vì vậy, BLHS 2015 đã có những thay đổi đáng kể trong việc quy định mức hình phạt tiền, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền không chỉ đối với tội ít nghiêm trọng mà còn đối với tội nghiêm trọng tại khoản 2 của các điều 285, 286, 287, 289 và 291, nâng mức phạt tiền tối thiểu lên cao. Có thể nói rằng, các hình phạt chính không tước tự do có vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt mà còn thể hiện được rõ chính sách nhân đạo của luật hình sự. Việc tăng cường hiệu quả của các hình phạt không tước tự do trong đó có hình phạt tiền đã đạt được mục tiêu tiếp tục tăng cường chính sách nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. b. Nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội Hiểu theo nghĩa rộng thì đây là những tội phạm có liên quan đến công nghệ cao. Đây là những tội phạm có sử dụng thiết bị máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội. Các tội phạm này được quy định ở các chương khác nhau mà dấu hiệu sử dụng công nghệ cao để phạm tội không được coi là dấu hiệu bắt buộc nên khi định tội vẫn theo các tội danh đó. Tuy nhiên, rõ ràng là công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính có vai trò, mức độ nhất định trong việc thực hiện, che giấu và gây ra những hậu quả tác hại đối với xã hội của hành vi phạm tội, do vậy việc sử dụng công nghệ cao để phạm tội phải được coi là dấu hiệu tăng nặng phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn so với các hành vi thông thường của các tội phạm truyền thống. Xuất phát từ cơ sở thực tiễn của các hành vi phạm tội này trong thời gian qua, có thể nhận thấy rằng, một số loại tội phạm đã sử dụng công nghệ cao vào việc phạm tội thay vì cách thức phạm tội theo kiểu truyền thống trước đây khiến cho việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, để đánh giá tình hình tội phạm công nghệ cao, việc đánh giá các tội phạm truyền thống có sử dụng công nghệ cao làm phương tiện, công cụ 12 Xem Nghị quyết sô 49/NQ-TW Đảng ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách đến năm 2020 193
  10. phạm tội cũng là điều cần thiết. Các tội phạm đó có thể là các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, thuế, chứng khoán, bảo hiểm hay các tội xâm phạm sở hữu. Đặc biệt là nhóm tội xâm phạm tình dục trong thời gian qua cũng đã cho thấy, không chỉ là những phương thức thủ đoạn phạm tội thông thường mà còn sử dụng thiết bị mạng máy tính, thiết bị số, viễn thông qua đó dễ dàng thực hiện tội phạm. Khi nghiên cứu các tài liệu của một số quốc gia về tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng tôi nhận thấy rằng, động cơ của tội phạm công nghệ cao có thể có và sẽ khác nhau tùy thuộc vào bản chất của tội phạm. Các hành vi liên quan đến khiêu dâm có động cơ từ sự ham muốn, các hành vi xâm hại đến tài sản có động cơ từ sự mong muốn gây ra mất mát, thiệt hại cho người khác hoặc các hành vi hủy hoại, phá vỡ trang web của tổ chức, hành vi xâm hại hệ thống máy tính của một cá nhân có động cơ từ sự bất mãn và mong muốn trả thù. Hoặc khác biệt hơn, có thể hành vi của tội phạm máy tính đến từ những đối tượng là những kẻ thách thức, kẻ nổi loạn, kẻ tò mò chỉ có thể với động cơ muốn được khám phá, muốn được phiêu lưu và muốn được mọi người biết đến. Việc càng ngày càng được tiếp cận với công nghệ kĩ thuật số thì nhóm người có tiềm năng phạm tội ngày càng lớn. Dấu hiệu để phân biệt tội phạm công nghệ cao với tội phạm thông thường, đó là: thứ nhất, hành vi phạm tội có thể dễ dàng vượt ra khỏi biên giới quốc gia hay nói cách khác hành vi có tính xuyên biên giới và có tính quốc tế; thứ hai, tội phạm có khả năng gây hại một cách tuyệt đối….; thứ ba, sự thay đổi của hành vi dẫn đến khó đánh giá và xác định do sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, trong khi không có nhiều những bằng chứng về tội phạm công nghệ cao. 3. Thực trạng tội phạm công nghệ cao và những vướng mắc bất cập Hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng công nghệ trên nền tảng trực tuyến. Càng nhiều lượng tiếp cận công nghệ và sử dụng chúng thì số lượng tội phạm phát sinh trong lĩnh vực này càng cao. Chưa bao giờ xã hội công nghiệp lại phụ thuộc vào quá trình xử lý dữ liệu phức tạp và hệ thống thông tin liên lạc như hiện nay. Sự can thiệp vào bất kỳ hệ thống công nghệ thông tin nào cũng đều có thể đưa đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây cũng 194
  11. chính là mục tiêu của bọn tội phạm. Trên thế giới, các hành vi phạm tội diễn ra dưới các hình thức sau13: * Lấy cắp dữ liệu: thông qua việc tấn công vào các hệ thống cơ sở dữ liệu, các hacker (tin tặc) đã lấy thông tin dữ liệu bí mật của cá nhân hay tổ chức, nhà nước nhằm phá hủy hệ thống cơ sở dữ liệu hoặc nhằm chiếm đoạt tài sản và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. * Trộm cắp thiết bị: bằng cách giành quyền truy cập vào tổng đài hoặc máy tính chủ của tổ chức, người phạm tội đã thực hiện các cuộc gọi hoặc kéo dài các cuộc gọi cho người khác nhằm để chiếm đoạt tiền cước. Đây là một hình thức trộm cắp dịch vụ đã và đang gây ra những tổn thất doanh thu đáng kể cho các nhà cung cấp dịch vụ. * Mã độc hại: tạo ra các vi rút độc hại và đưa chúng xâm nhập vào các hệ thống máy tính khiến cho người dùng khi kích hoạt vào hệ thống này sẽ làm lan truyền vi rút đến các hệ thống khác, từ đó có dẫn tới hệ thống tê liệt, ngừng hoạt động và có thể làm mất đi toàn bộ các thông tin dữ liệu. * Gián điệp: nắm bắt được giá trị thương mại của các thông tin mật, các doanh nghiệp trở thành mục tiêu của bọn gián điệp. Trước đây, để lấy được thông tin có giá trị thương mại của các doanh nghiệp, tội phạm cần phải xâm nhập vào doanh nghiệp và thuyết phục nhân viên, người nắm giữ các bí mật của chính doanh nghiệp đó. Ngày nay hầu hết các bí mật thương mại hoặc thông tin chiến lược về kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp đều tồn tại dưới dạng kĩ thuật số. Bằng cách nào đó (có thể là hối lộ theo cách thức truyền thống), bọn gián điệp đã có thể xâm nhập vào để lấy được các thông tin dữ liệu bí mật này. * Khủng bố mạng: được hiểu là các cuộc tấn công bất hợp pháp chống lại hệ thống máy tính, hệ thống mạng, các hoạt động và thông tin được lưu trữ trong đó để đe dọa hoặc ép buộc chính quyền hoặc những người quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội. Sự phụ thuộc vào công nghệ cao của phần lớn cơ sở hạ tầng quan trọng của nền công nghiệp tiên tiến như điện, nước, kiểm soát không lưu, cộng đồng hay hệ thống tài chính đều đã và đang trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Điều này có khả năng gây ra thiệt hại thảm khốc trên diện rộng bởi tính chất mức độ của hành vi. Chẳng hạn tại Mỹ, vụ tấn công của bọn khủng bố ngày 11 tháng 9 đã trở nên một thảm họa thế giới và không thể nào quên 13 Hans Joachim Schneider, Internationales Handbuch der Kriminologie, Band 2: Besondere der Kriminologie, De Gruvter Recht, Berlin. 195
  12. trong lịch sử nước này khi bọn tội phạm đã sử dụng công nghệ cao xâm nhập vào hệ thống an ninh hàng không làm tê liệt hoạt động và điều khiển máy bay tấn công vào chính cơ sở hạ tầng là tòa tháp đôi trung tâm thương mại, nơi biểu tượng cho sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ14. Vì sức lan tỏa của công nghệ kỹ thuật số và tầm quan trọng của nó đối với mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội công nghiệp hiên đại nên những tác động của tội phạm công nghệ cao có thể rất nghiêm trọng. Tuy nhiên trên thực tế, số liệu thống kê về chi phí thiệt hại gây ra bởi tội phạm này khó có thể chính xác, mà đôi khi bị phóng đại bởi những chủ thể quan tâm đến lĩnh vực nào đó mà muốn tạo ra chú ý thông qua các thiệt hại mà họ cho là có thể tính toán hay ước tính được. Các quốc gia trên thế giới đều đã có những quy định trong luật hình sự về các hành vi bị coi là tội phạm và đa số vẫn là các quy định về tội phạm mang tính truyền thống để đối phó và xử lý. Nhưng sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đòi hỏi pháp luật phải có sự thay đổi để thích ứng bởi lẽ không thể phủ nhận một điều là công nghệ đã phát triển nhanh hơn luật pháp. Vì thế, sự phát triển liên tục của tội phạm công nghệ cao và các hoạt động nỗ lực để kiểm soát và ngăn ngừa tội phạm này cũng đang diễn ra. Nói cách khác, sự đa dạng hóa liên tục của tội phạm mạng sẽ dẫn đến các phản ứng pháp lý tương ứng hoặc ít nhất là sự chấp thuận các phản ứng cũ mà có giá trị đối phó với tội phạm. Ở Việt nam, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Các thế lực thù địch và bọn phản động sẽ tiếp tục lợi dụng internet để tuyên truyền xuyên tạc và tập hợp lực lượng thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhất là nguy cơ bị tấn công, lây nhiễm virus trong hệ thống thông tin dẫn đến lộ bí mật quốc gia. Tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để trộm cắp cước viễn thông, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo, tống tiền sẽ tiếp tục gia tăng; các ổ nhóm, đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao sau 14 http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/Vu-khung-bo-11-9-va-nhung-bi-an-chua-co-loi-giai-457474/ truy cập ngày 17/6/2021 196
  13. khi bị phát hiện, xử lý mạnh trong thời gian qua sẽ chuyển qua phương thức, thủ đoạn mới; tình trạng cá độ và đánh bạc qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ ngày càng mang đậm tính chất của tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Tội phạm công nghệ cao có liên quan mật thiết tới việc bảo mật an ninh thông tin. An ninh thông tin được hiểu là việc bảo vệ thông tin, các hệ thống thông tin và những dịch vụ có khả năng chống lại những tai họa, lỗi và sự tác động không mong đợi, các thay đổi tác động đến độ an toàn của hệ thống này. Các thông tin dữ liệu trong hệ thống sẽ bị người không được quyền truy cập tìm cách lấy và sử dụng. Các thông tin trong hệ thống có thể bị thay thế hoặc sửa đổi làm sai lệch nội dung. Nhận thức về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập ở Việt Nam, đồng thời các quy định pháp luật về tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn còn những kẽ hở. Từ thực trạng nói trên có thể nhận ra rằng, cho đến hiện tại những vướng mắc bất cập trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao ở nước ta vẫn còn tồn tại. Vướng mắc này đến từ nhiều nguyên nhân khiến cho tội phạm công nghệ cao vẫn như cái vòi bạch tuộc vươn dài và sâu đến các lĩnh vực của xã hội, các quan hệ xã hội để gây ra những thiệt hại không nhỏ. Nghiên cứu về hình phạt tiền trong nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể thấy, cách quy định về mức phạt tiền như hiện nay còn chưa có sự thống nhất do có nhiều mức khác nhau. Chẳng hạn, khoản 1 điều 287 qui định “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” còn khoản 1 điều 286 quy định “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Nếu xét về loại hình phạt thì khoản 1 điều 286 sẽ được xem là tội nhẹ hơn vì có hình phạt cải tạo không giam giữ trong khi khoản 1 điều 287 không có, nhưng nếu xét mức tối thiểu của khung hình phạt thì khoản 1 điều 286 lại là tội nhẹ hơn vì mức tối thiểu của hình phạt tiền là 50 triệu trong khi khoản 1 điều 287 là 30 triệu. Thêm vào đó, biên độ dao động giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của hình phạt tiền cũng rất lớn (“từ 30 triệu đến 200 triệu” hoặc “từ 50 triệu đến 300 triệu” nếu thuộc tội ít nghiêm trọng; “từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng” nếu thuộc tội nghiêm trọng). 197
  14. Nghiên cứu pháp luật hình sự Nhật Bản có quy định nhóm tội phạm này, chúng tôi nhận thấy hình phạt tiền cũng được áp dụng là hình phạt chính bên cạnh hình phạt tù. Tuy vậy, cách quy định hình phạt tiền theo hướng chỉ quy định mức tối đa ở các điều 163-2, điều 163-3 của BLHS: “phạt tiền dưới 100 vạn yên”, “phạt tiền dưới 50 vạn yên”, còn mức tối thiểu của hình phạt tiền đã được quy định ở phần chung của BLHS Nhật Bản tại điều 15 là trên 1 vạn yên15. Hay BLHS Nga lại quy định mức phạt tiền đối với nhóm tội phạm này là từ 200 lần đến 500 lần, 500 lần đến 800 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay nguồn thu khác của người bị kết án16. So sánh với cách quy định của pháp luật một số nước nói trên, cách quy định về hình phạt tiền trong BLHS Việt Nam khó đảm bảo được nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Nghiên cứu về các loại hành vi phạm tội, chúng tôi thấy BLHS Trung Quốc đã dành 3 điều luật quy định về các tội phạm này trong mục Tội gây rối trật tự công cộng tại các điều 285, điều 286 và điều 287. Theo đó, có những hành vi sau: Hành vi vi phạm các quy định của nhà nước xâm nhập vào hệ thống máy vi tính chứa thông tin về công việc nhà nước các công trình quốc phòng các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mũi nhỏ; hành vi vi phạm quy định của nhà nước tiến hành xóa bỏ, sửa đổi, bổ sung gây nhiều hệ thống thông tin máy tính làm cho hệ thống thông tin máy tính không thể vận hành bình thường được gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả hành vi tiến hành thao tác, xóa bỏ, sửa đổi, bổ sung việc xử lý lưu trữ truyền số liệu và các chương trình ứng dụng trong hệ thống thông tin máy tính hoặc hành vi cố ý lập trình virus có tính phá hoại phát tán vào hệ thống máy tính ảnh hưởng đến vận hành bình thường của máy tính.17 Ngoài ra, BLHS Trung Quốc cũng qui định đối với hành vi sử dụng máy tính để thực hiện hành vi lừa đảo tiền tệ, trộm cắp, tham ô, lạm dụng công quỹ, đánh cắp bí mật quốc gia hoặc phạm tội khác thì bị xử phạt theo những quy định có liên quan của bộ luật này. Có thể nói rằng quy định này đã bao quát được các tội phạm khác vốn là tội phạm truyền thống mà có sử dụng mạng máy tính hoặc công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời cho thấy được sự ghi nhận dấu hiệu sử 15 Xem Trần Thị Hiền (2011), Bộ luật hình sự Nhật Bản, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội. 16 Xem Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Liên bang Nga, bản dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 17 Xem Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 198
  15. dụng công nghệ cao để phạm tội là một trong những dấu hiệu cấu thành của các tội phạm truyền thống nói trên. Đối chiếu với BLHS Việt Nam hiện hành, chúng tôi nhận thấy điều 290 cũng có quy định tương tự như BLHS Trung Quốc về tội danh này. Tuy nhiên, cách quy định như hiện nay, đó là liệt kê các hành vi có sử dụng mạng máy tính hay nói cách khác là sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã và sẽ làm hạn chế việc xử lý các hành vi khác mà có yếu tố sử dụng công nghệ cao để phạm tội đang tồn tại trong thực tiễn hoặc sẽ phát sinh trong tương lai. Bởi lẽ có những tội phạm khác sử dụng công nghệ cao không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà lại nhằm để xâm hại về tình dục, xâm hại hệ thống quản lý nhà nước hay nhằm xâm phạm an ninh quốc gia. Ttrong quá trình xử lý tội phạm, vấn đề nắm và quản lý tin báo tội phạm để xử lý tin báo chưa thật chính xác. Ngoài ra, từ trước đến nay nguồn tin báo chủ yếu được lấy từ cơ quan công an mà ít có tin báo đến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, dấu vết của tội phạm rất mờ nhạt, khó xác định chứng cứ do không đủ phương tiện kĩ thuật, các chuyên gia và chưa có cơ chế phối hợp quốc tế một cách toàn diện để truy tìm các các dấu vết điện tử18. BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm nguồn chứng cứ mới, đó là dữ liệu điện tử. Sự ghi nhận thêm nguồn chứng cứ mới này cho thấy cách tiếp cận mới của nhà làm luật qua việc ghi nhận các dấu hiệu công nghệ cao vào quá trình tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vấn đề là để có thể xác định được nguồn chứng cứ này đòi hỏi chủ thể tiến hành tố tụng phải có những kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm, trình độ nhất định về công nghệ, về mạng internet hay mạng viễn thông mà điều này đang là thách thức đối với đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng ở nước ta vốn còn đang hạn chế. Nếu như việc điều tra với tội phạm truyền thống có vẻ thuận lợi thì việc điều tra tội phạm mạng dường như khó khăn hơn rất nhiều bởi lẽ có những vụ án mà hành vi phạm tội ở một nơi, nạn nhân ở nơi khác và việc ngăn ngừa tội phạm lại được tiến hành ở nơi thứ ba khác. Một điều nữa là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao phải biết rằng họ đã trở thành nạn nhân. Mà điều này không đơn giản bởi lẽ đằng sau các sự cố về hệ thống mạng máy tính có thể người ta không biết được đâu là nguyên nhân trục trặc về đường truyền, phần mềm máy tính hay là nguyên nhân từ việc tấn công hệ thống mạng của bọn tội phạm. Chính vì 18 Xem Phạm Văn Lợi (2007), Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.91 199
  16. thế, trong số những người đã từng là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm máy tính, một số nạn nhân bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức tài chính đã không muốn khai báo với chính quyền, với cơ quan cảnh sát bởi họ không muốn công khai rằng hệ thống của họ có những lỗ hổng và dễ bị tấn công và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tổ chức đó. Đôi khi chi phí bỏ ra để khôi phục lại hình ảnh, uy tín tổ chức còn cao hơn gấp nhiều lần chi phí thiệt hại tài chính phát sinh mà tội phạm đã gây ra mà việc điều tra xử lý có thể xác định được để bồi thường cho chính tổ chức đó. Tương tự đó, một cá nhân cũng trở nên xấu hổ vì trở thành nạn nhân nhẹ dạ cả tin của một hành vi lừa đảo, gian lận và họ đã giữ lại sự bất hạnh đó cho riêng mình mà không khai báo hay tố giác. Hoặc nạn nhân có những hiểu biết thực tế về những giới hạn, hạn chế của việc thực thi pháp luật trong thời đại công nghệ rằng là cơ quan chức năng không đủ trang bị để điều tra phát hiện và xử lý tội phạm công nghệ cao. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho tội phạm công nghệ cao khó bị phát hiện, xử lý. 4. Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp Internet đã mang đến tội phạm công nghệ cao. Bảo mật máy tính là một trong những điều quan trọng nhất ở mọi quốc gia. Đầu tư vào an ninh máy tính có nghĩa là đầu tư vào an ninh quốc gia của chính nhà nước. Tội phạm máy tính sẽ luôn liên quan đến một số loại rối loạn an ninh máy tính. Không gian máy tính, thế giới máy tính đã mang đến cho chúng ta những loại thách thức, mối đe dọa mới mà chúng ta cần tìm kiếm các giải pháp đặc biệt để đối phó, để có luật pháp bình đẳng hài hòa với các luật khác, hợp tác với các quốc gia khác, cũng như với tất cả các thể chế , phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin và chứng cứ, nhằm đối phó thành công với tội phạm sử dụng công nghệ cao.19 Cùng với nghị quyết 49 về cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng đã đề ra các mục tiêu về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng, nghị quyết chỉ hướng đến việc đấu tranh phòng chống các tội phạm truyền thống, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia 19 Marija Gjosheva, New and future challenges of the high-tech crime and their impact on national security, факултет за безбедност – скопје, issue year: 2017, issue no: 2, page range 62-67 200
  17. mà chưa thực sự nhấn mạnh và đề cao tầm quan trọng của việc phòng chống các tội phạm phi truyền thống, vốn đang là mối đe dọa của toàn cầu trong thời đại mới. Tội phạm xâm phạm an ninh mạng là một trong những tội phạm phi truyền thống có thể thể gây ra những hậu quả nặng nề cho nhà nước và xã hội. Thêm vào đó, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, việc tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội là điều không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi pháp luật cần phải có chính sách nhất quán và xuyên suốt cũng như mạnh mẽ quyết liệt để phòng chống loại tội phạm này. Chúng tôi cho rằng cần có mục tiêu rõ ràng, xác định hoạt động phòng chống tội phạm không chỉ trong lĩnh vực an ninh truyền thống mà còn trên cả lĩnh vực an ninh phi truyền thống để các chủ thể thực hiện hoạt động phòng chống tội phạm có sự chủ động trong việc xây dựng những phương án và kế hoạch phòng chống có hiệu quả. Với nhiệm vụ hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng bảo đảm tính linh hoạt và đồng bộ của chính sách hình sự, đáp ứng kịp thời và hiệu quả cho công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm công nghệ cao là điều cần thiết, cụ thể là: - Nghiên cứu việc ban hành Luật phòng chống tội phạm công nghệ cao trên cơ sở Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao đã có trước đây. - Trong BLHS, cần nghiên cứu việc quy định tình tiết “sử dụng công nghệ cao để thực hiện tội phạm” vào dấu hiệu định khung tăng nặng của một số tội phạm nhất định mà qua thực tiễn cho thấy tội phạm có sử dụng thủ đoạn công nghệ cao để thực hiện tội phạm và hậu quả để lại cho xã hội là nghiêm trọng hoặc quy định là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vào điều 52 BLHS. Qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm các nước, chúng tôi cũng nhận thấy rằng hành vi chiếm đoạt bằng việc sử dụng công nghệ cao được mô tả ở điều 290 có thể được thể hiện trong các tội trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng công quỹ, trộm cắp bí mật quốc gia…đồng thời, khi xử lý có thể xử lý theo các tội danh này (với điều kiện bổ sung thêm dấu hiệu định khung tăng nặng sử dụng công nghệ cao để phạm tội như đã đề xuất ở trên). Chính vì thế, trong cấu thành tội phạm ở điều 290, cần bổ sung nội dung như sau: “…nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 172, Điều 173, Điều 174, 201
  18. Điều 353, Điều 337, Điều 361 của Bộ luật này…” để việc áp dụng tội danh có sự thống nhất. - Về khung hình phạt, cần quy định mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền không quá chênh lệch, quy định số lượng tiền phải phạt dựa trên thiệt hại thực tế hoặc giá trị số lượng hàng, vật phạm pháp có được do phạm tội mà có để xác định mức tiền phạt cụ thể tại thời điểm cụ thể. - Cần chú ý đến việc xây dựng hệ thống pháp luật và các vấn đề liên quan đến chứng cứ, dữ liệu điện tử để bắt buộc các chủ thể phải sử dụng khi thực hiện các vụ án hình sự công nghệ cao trong điều tra, xét xử hệ thống tư pháp hình sự bởi lẽ dữ liệu điện tử hay còn gọi là bằng chứng điện tử có giá trị tương đương hay thậm chí cao hơn so với bằng chứng truyền thống20. Điều này cũng là nhằm để ứng phó một cách thực sự và hiệu quả với sự thay đổi không ngừng của tội phạm về khoa học và công nghệ, Luật tố tụng hình sự cần quy định trình tự thủ tục thu thập bảo quản dữ liệu điện tử riêng, trong đó tại điều 196 BLTTHS cần quy định rõ chủ thể thu thập chứng cứ, dữ liệu điện tử bao gồm cả những người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ được ví như những giám định pháp y máy tính. Cùng với các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nhà nước cũng phải tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để đấu tranh phòng chống với loại tội phạm này như: tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng, đào tạo các chuyên gia về máy tính pháp y và điều tra tội phạm mạng; tăng cường hiệu quả các biện pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm. Tội phạm công nghệ cao thường có yếu tố nước ngoài hoặc yếu tố xuyên quốc gia, vì thế việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm cũng có ý nghĩa quan trọng, qua đó thúc đẩy hợp một cách toàn diện giữa các quốc gia có cùng chung mục đích với nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cao Anh Đức, Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(296), tháng 8/2015. 20 Fredesvinda Insa, The Admissibility of Electronic Evidence in Court (A.E.E.C.): Fighting against High- Tech Crime—Results of a European Study, Journal of digital forensic practice, Volume 1, 2007 - Issue 4, Pages 285-289 202
  19. 2. Fredesvinda Insa, The Admissibility of Electronic Evidence in Court (A.E.E.C.): Fighting against High-Tech Crime—Results of a European Study, Journal of digital forensic practice, Volume 1, 2007 - Issue 4, Pages 285-289 3. Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 4. Hans Joachim Schneider (2009), Internationales Handbuch der Kriminologie, Band 2: Besondere probleme der Kriminologie, De Gruvter Recht, Berlin. 5. Trần Thị Hiền (2011), Bộ luật hình sự Nhật Bản, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội. 6. Đinh Thế Hưng, Lê Thị Hồng Xuân, Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2019. 7. Nguyễn Quý Khuyến, Dấu hiệu định lượng thiệt hại của các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo Bộ luật hình sự năm 2015, Tạp chí Kiểm sát số 18/2017. 8. Phạm Văn Lợi (2007), Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 9. Marija Gjosheva, New and future challenges of the high-tech crime and their impact on national security, факултет за безбедност – скопје, issue year: 2017, issue no: 2, page range 62-67. 10. Nghị quyết số 49/NQ-TW Đảng ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách đến năm 2020 11. Hoàng Việt Quỳnh, Một số trao đổi về tội phạm sử dụng Công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục cảnh sát nhân dân, số 79, tháng 8/2016 12. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Liên bang Nga, bản dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 13. Nguyễn Xuân Yêm (2001), Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 14. http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/Vu-khung-bo-11-9-va-nhung-bi-an-chua-co-loi- giai-457474/ truy cập ngày 17/6/2021 203
nguon tai.lieu . vn