Xem mẫu

  1. NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ TS. Phan Hồng Mai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Là một quốc gia tăng trưởng kinh tế dựa trên vốn tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong nền tài chính đất nước, do đó, tất yếu trở thành chủ thể quan trọng, tham gia thúc đẩy cũng như chịu tác động trực tiếp từ hội nhập quốc tế. Bài viết này chỉ ra những ảnh hưởng tích cực từ hội nhập quốc tế đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm: tăng khả năng mở rộng thị phần trên phạm vi quốc tế, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ, tăng tính minh bạch và hiệu quả quản trị rủi ro. Đồng thời, đề cập tới những mặt trái của hội nhập là: giảm thị phần trong nước, nguy cơ bị thôn tính từ định chế tài chính nước ngoài và không đạt mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường nước ngoài. Từ khóa: hội nhập quốc tế, BTA, WTO, AEC, TPP, FTA, ngân hàng thương mại 1. Đặt vấn đề Hội nhập quốc tế (international integration) được Deutsh (1957) giải thích là sự liên kết các quốc gia thông qua phát triển các luồng giao lưu như thương mại, đầu tư, thư tín, thông tin, du lịch, di trú, văn hóa… từ đó hình thành dần các cộng đồng an ninh kiểu hợp nhất hoặc đa nguyên. Kể từ năm 1967, khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngành ngân hàng Việt Nam bắt đầu có những thay đổi từng bước theo lộ trình để thích nghi với yêu cầu hội nhập. Đến năm 2015, với việc quốc gia trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và gần đây nhất là ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nhận được nhiều cơ hội để phát triển lên tầm cao mới nhưng với điều kiện vượt qua được những thách thức về cạnh tranh. Những vấn đề nêu trên sẽ được làm rõ trong nội 563
  2. dung bài viết này, từ đó khuyến cáo một số biện pháp để các ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực, thích nghi với điều kiện hội nhập. 2. Hội nhập quốc tế và những cam kết cụ thể trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam Trải qua 48 năm tích cực đàm phán, tính từ năm 1967 đến năm 2015, Việt Nam đã gia nhập WTO, AEC, đạt thỏa thuận TPP, đồng thời ký kết được 1 hiệp định thương mại song phương (Việt Nam - Hoa Kỳ, BTA) và 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) với tư cách là thành viên ASEAN hoặc một bên độc lập với các quốc gia/cộng đồng kinh tế, gồm: cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (CEPT/AFTA), Trung Quốc (ACTIG), Hàn Quốc (AKTIG, FTA Việt Nam - Hàn Quốc), Nhật Bản (AJCEP, FTA Việt Nam - Nhật Bản), Úc - Niu Dilaan (ANNZCERFTA), Ấn Độ (AITIG); Chi Lê (FTA Việt Nam - Chi Lê), Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á, Âu), Liên minh châu Âu (EVFTA). Qua đó, nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa và gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 2.1. Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ Năm 2001, Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương với Hoa kỳ (BTA) gồm 4 phần: tiếp cận thị trường, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và đầu tư. Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng cam kết của Việt Nam là: trong vòng 9 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các ngân hàng của Hoa Kỳ được phép thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó phần vốn góp của Hoa Kỳ từ 30% đến 49% vốn pháp định của liên doanh. Sau 9 năm, được phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư của Hoa Kỳ. 2.2. Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO Sau gần 12 năm đàm phán, ngày 7/11/2006, Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào WTO. Theo đó, ngành Ngân hàng sẽ phải tuân thủ những nghĩa vụ quy định trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), bao gồm nghĩa vụ đãi ngộ tối huệ quốc, minh bạch, đãi ngộ quốc gia và tiếp cận thị trường. Trên cơ sở các nguyên tắc chung nêu trên, những cam kết cụ thể có lộ trình của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng như sau (tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước, 2015): - Cam kết mở cửa thị trường, Việt Nam cam kết các loại hình dịch vụ được cung cấp theo như phụ lục về dịch vụ tài chính ngân hàng của GATS, trong đó có 564
  3. những loại hình dịch vụ mới như kinh doanh các sản phẩm phái sinh, quản lý tài sản tài chính… - Cam kết tiếp cận thị trường, bao gồm: (i) Các tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau: văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh (trong đó tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ); Văn phòng đại diện, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. Kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2007, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép thành lập. (ii) Trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi bằng Đồng Việt Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh. Từ năm 2011, bắt buộc áp dụng đủ nghĩa vụ đối xử quốc gia. (iii) Việt Nam có thể hạn chế việc tham gia cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam được cổ phần hóa như mức tham gia cổ phần của các ngân hàng Việt Nam. Tổng số cổ phần được phép nắm giữ bởi các thể nhân và pháp nhân nước ngoài tại mỗi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng, trừ khi luật pháp của Việt Nam có quy định khác hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. (iv) Một chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài không được phép mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở chi nhánh của mình. Kể từ khi gia nhập, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia. - Cam kết về đối xử quốc gia, điều kiện để thành lập chi nhánh của ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam là ngân hàng mẹ có tổng tài sản có trên 20 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn. Còn để thành lập một ngân hàng liên doanh hoặc một ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì giá trị nêu trên là 10 tỷ đô la. Điều kiện tương tự về tổng tài sản cũng được áp dụng khi tổ chức tín dụng nước ngoài muốn thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh tại Việt Nam. 2.3. Gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC Tháng 10/2003, tại hội nghị ASEAN 9, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã nhất trí hình thành một cộng đồng ASEAN liên kết, tự cường vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng 565
  4. An ninh ASEAN - ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN - ASCC). Tuy vậy, để đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 (tháng 1 năm 2007) đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành AEC đến năm 2015. Đối với lĩnh vực tài chính, do mức độ phát triển không đồng đều giữa các nước trong ASEAN nên lộ trình hội nhập AEC được xác định theo công thức “ASEAN - X” cho phép các thành viên đã sẵn sàng được hội nhập ngay, trong khi một số nước khác tham gia sau, khi đủ điều kiện. Song đến hết năm 2015, về cơ bản sẽ thực hiện tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn, phát triển thị trường vốn và xây dựng hệ thống thanh toán chung. Các cam kết cụ thể của Việt Nam đối với vấn đề này như sau (tổng kết của viện Chiến lược và chính sách Tài chính, 2015): - Yêu cầu tự do hóa dịch vụ tài chính: Loại bỏ hạn chế với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành theo danh mục chỉ dẫn các phân ngành dịch vụ tài chính và phương thức tự do hóa của mỗi quốc gia đã được thống nhất tại phụ lục 1, kế hoạch chi tiết AEC 2008. - Yêu cầu tự do hóa tài khoản vốn: Loại bỏ sự hạn chế và kiểm soát về giao dịch tài khoản vãng lai, luồng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nước thành viên, song song với việc phải giám sát chặt chẽ khả năng mất ổn định kinh tế vĩ mô tiềm tàng cũng như rủi ro hệ thống có thể xuất hiện trong quá trình tự do hóa; Đảm bảo việc chia sẻ lợi ích từ tự do hóa tài khoản vốn giữa các nước ASEAN. - Yêu cầu phát triển thị trường vốn: Tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính. Hài hòa hóa tiêu chuẩn thị trường vốn tại ASEAN đối với các lĩnh vực có quy định về chứng khoán nợ, yêu cầu công bố thông tin và các quy tắc phân bổ. Tạo điều kiện thoả thuận công nhận lẫn nhau hoặc thoả thuận công nhận chéo bằng cấp, đào tạo và kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường. Linh hoạt đối với ngôn ngữ và kiểm soát các yêu cầu về luật đối với việc phát hành chứng khoán. Cải thiện cấu trúc thuế khấu trừ nhằm mở rộng cơ sở hoạt động cho nhà đầu tư đối với việc phát hành công cụ nợ trong ASEAN. - Yêu cầu xây dựng hệ thống thanh quyết toán: Tiêu chuẩn hóa và phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán nhằm hội nhập hệ thống thanh quyết toán trong ASEAN. Đến nay, hội nhập tài chính AEC đã hoàn thành giai đoạn I với kết quả thành lập khuôn khổ đối với các Ngân hàng ASEAN đạt tiêu chuẩn (QABs) và thừa nhận sự phát triển của thị trường trái phiếu ASEAN. Ngày 21 tháng 3 năm 2015, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 và hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ nhất 566
  5. đã đạt được nhất trí cao trong việc tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực trong các năm tiếp theo, tập trung vào một số nhiệm vụ: ký kết Nghị định thư thứ bảy về Tự do hóa dịch vụ tài chính trong Hiệp định ASEAN đối với dịch vụ (AFAS), đối thoại chính sách về cơ chế phòng vệ cho tự do hóa tài khoản vốn và ưu tiên tiếp cận tài chính toàn diện (theo Bộ Tài chính, 2015). Thực hiện lộ trình đã cam kết, đến hết năm 2015, thị trường tài chính Việt Nam sẽ trở nên liên thông với thị trường các nước trong khu vực ASEAN. 2.4. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 12 nước tham gia đàm phán TPP, bao gồm: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Về bản chất, TPP là một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhưng toàn diện và với tiêu chuẩn cao, gồm cả những cam kết cao hơn các mức cam kết đã được thiết lập trong khuôn khổ WTO. Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, Hiệp định dành 2 Chương “Đầu tư” và “Dịch vụ tài chính” quy định việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính (tổng hợp của Bộ Công Thương Việt Nam, 2015). Trong các quy định về đầu tư, TPP yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp. Các thành viên TPP cũng thông qua biện pháp tự vệ tạm thời không phân biệt đối xử (chẳng hạn như kiểm soát vốn), nhằm hạn chế việc chuyển tiền liên quan đến đầu tư trong trường hợp khủng hoảng, hoặc có nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, đảm bảo sự toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính; tự do bổ nhiệm các vị trí quản lý cấp cao mà không quan tâm đến quốc tịch. Thị trường các nước là mở cửa hoàn toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi các thành viên TPP đưa ra một ngoại lệ (biện pháp bảo lưu không tương thích) trong phụ lục cụ thể của quốc gia kèm theo Hiệp định TPP. Đối với dịch vụ tài chính, TPP duy trì các nghĩa vụ cốt lõi như trong các hiệp định thương mại khác, gồm: Đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, các quy định đầu tư, bao gồm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu tuân theo luật thương mại quốc tế, quyền khiếu nại vì các thiệt hại do nội chiến và mở cửa thị trường. Đồng thời, TPP cho phép bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các 567
  6. dịch vụ của mình - nhưng cho phép một thành viên TPP yêu cầu đăng ký hoặc được ủy quyền của nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới ở nước TPP khác nhằm giúp đảm bảo việc quản lý và giám sát thích hợp. Một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên TPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước TPP khác nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Ngoài ra, Hiệp định còn bao gồm các ngoại lệ duy trì quyền linh hoạt lớn cho các nhà quản lý tài chính của TPP. Quyền linh hoạt nhằm thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính, sự toàn vẹn của hệ thống tài chính bao gồm các ngoại lệ thận trọng và ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử, nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ hoặc chính sách cụ thể khác. 2.5. Các Hiệp định tự do thương mại khác - FTA Theo các hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam đã ký kết, trong giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam cam kết mở cửa có lộ trình đối với các dịch vụ ngân hàng, bao gồm: nhận tiền gửi, cho vay, thuê mua tài chính, thanh toán, bảo lãnh, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản… theo cả 3 phương thức là cung ứng qua biên giới, tiêu dùng ngoài lãnh thổ và hiện diện thương mại (Nguyễn Đức Hiển và cộng sự, 2015). Những cam kết này bổ sung thêm cơ hội phát triển của ngân hàng Việt Nam trên nhiều phương diện song không dễ dàng nắm bắt nếu thiếu chiến lược và quyết sách phù hợp. 3. Những cơ hội của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế Một thị trường rộng lớn hơn, dựa trên nền tảng đối xử bình đẳng, tự do lưu chuyển vốn, dịch vụ sẽ tạo cơ hội phát triển rõ ràng cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Thứ nhất, tăng khả năng mở rộng thị phần, hợp tác kinh doanh trên phạm vi quốc tế do được tạo điều kiện hiện diện chính thức hoặc đối xử bình đẳng tại nước ngoài. Yêu cầu mở cửa thị trường tài chính, đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, AEC, ký kết thành công BTA, TPP và các FTA khác tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng con… tại nhiều nước trên thế giới. Tính đến tháng 7/2015, WTO có 162 thành viên, hầu hết trong số đó là thành viên của Liên Hiệp Quốc nên WTO là tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, một “sân chơi của cả thế giới” chiếm 85% thương mại hàng hóa, 90% thương mại dịch vụ toàn cầu 568
  7. (Lương Văn Tự, 2015). Mỗi thành viên WTO đều cam kết tự do hóa về dịch vụ tài chính ở các mức độ khác nhau đối với Việt Nam, mở đường cho các ngân hàng thương mại thâm nhập vào thị trường mới. Tháng 9/2011, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP) Công thương Việt Nam tiên phong mở rộng hệ thống sang châu Âu với một chi nhánh tại Frankfurt (Đức) và thêm một chi nhánh nữa tại Berlin vào năm 2012 (Nhuệ Mẫn, 2014). Gần đây nhất, ngày 30/9/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho NHTMCP Quân đội mở văn phòng đại diện tại Nga (Trường Văn, 2015). Đối với TPP, tuy chỉ gồm 12 quốc gia nhưng đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu (Anh Thư, 2015) nên nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cũng rất lớn. Mặc dù không có nhiều lợi thế do nền tài chính kém phát triển nhất trong nhóm nhưng với độ mở cao hơn WTO, trong dài hạn ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn có cơ hội hợp tác đầu tư, hiện diện thương mại tại các nước này. Hiện tại, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Á Châu và NHTMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ chấp thuận. Gần về vị trí địa lý nhất và cũng được tự do hóa ở cấp độ cao nhất thành một thị trường chung là AEC. Với quy mô dân số toàn khối khoảng 625 triệu người, cơ cấu trẻ, mức thu nhập bình quân gần 4.000 USD/người/năm cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khu vực là 5%/năm (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, 2015), ASEAN vẫn là thị trường tiềm năng, “vừa tầm” nhất cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hướng tới cả hai đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (trích theo Phương Linh, 2014 và Thái Phương, 2014) cho thấy nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đã hiện diện tại các nước trong khu vực, bao gồm: NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (có văn phòng đại diện tại Singapore), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mở chi nhánh tại Lào, Campuchia, Myanmar), NHTMCP Công Thương Việt Nam (thành lập chi nhánh tại Lào, văn phòng đại diện tại Myanmar và Singapore), Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (triển khai chi nhánh tại Campuchia), NHTMCP Sài Gòn Thương tín Ngân hàng (mở chi nhánh tại Lào, ngân hàng con tại Campuchia), NHTMCP Quân đội (có chi nhánh tại Lào, Campuchia); NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (đã khai trương chi nhánh tại Campuchia); NHTMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (mở văn phòng đại diện tại Myanmar). Hai thị trường được lựa chọn ban đầu là Lào và 569
  8. Campuchia do có chung đường biên giới, giao thương phi mậu dịch lớn và đã hình thành quan hệ thương mại truyền thống với doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp theo là Myanmar, một trong những nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất khu vực nhưng thị trường tài chính còn rất nhiều tiềm năng khai thác. Trong dài hạn, khi các quy định về bảo hộ chính thức được gỡ bỏ, các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ được phép thành lập ngân hàng con tại nước này. Việc mở rộng hoạt động tại những nước có thị trường tài chính kém phát triển hơn như Lào, Campuchia, Myanmar giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam phần nào tránh được áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường trong nước, bổ sung nguồn vốn huy động và tăng lợi nhuận từ thị phần nước ngoài. Đối với các thị trường tài chính phát triển hơn (gồm các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các nước thành viên WTO, TPP như Đức, Hoa Kỳ), việc thành lập văn phòng sẽ tăng cường khả năng nhận diện của ngân hàng thương mại Việt Nam trên thị trường quốc tế. Kết hợp với quá trình tích cực trao đổi, hợp tác ở cấp quốc gia về hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ, quản lý ngoại hối, thanh tra, giám sát phòng ngừa rủi ro và thanh toán, uy tín của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong các giao dịch tài chính ngân hàng quốc tế được củng cố, từ đó mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh tại các nước này. Thứ hai, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ nhờ cơ hội tiếp cận công nghệ quản trị tiên tiến, vốn đầu tư dồi dào và nhân lực chất lượng cao. Khi hình thành một thị trường ASEAN đơn nhất, khách hàng của ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ thuộc các nền kinh tế với nhiều cấp độ phát triển, đặc điểm văn hóa - xã hội khác biệt nên nhu cầu về dịch vụ tài chính rất phong phú, đòi hỏi cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng và có tính chuyên biệt cao. Ngoài ra, dưới sức ép cạnh tranh lớn hơn ở cả trong nước và toàn khu vực Đông Nam Á, các khối thương mại tự do, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng nhu cầu của khách hàng bằng phương thức an toàn, tiện lợi. Dù đây là một nhiệm vụ không dễ dàng nhưng các ngân hàng thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ cơ hội tự do tiếp cận công nghệ quản trị tiên tiến, vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao từ các thành viên ASEAN theo yêu cầu hội nhập toàn diện, cũng như từ các quốc gia đã cam kết tự do hóa trong khuôn khổ WTO, TPP, FTA. Về công nghệ, core banking chính là nền tảng đưa ngân hàng thương mại Việt Nam hội nhập với thế giới. Bắt đầu được triển khai từ năm 1998, đến nay hầu hết ngân hàng thương mại Việt Nam ứng dụng hệ thống core banking để quản lý toàn diện 570
  9. các giao dịch, vừa nâng cao chất lượng phục vụ, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây cũng là cơ sở để phát triển các sản phẩm mới, phương thức giao dịch mới (như Internet Banking, Mobile Banking) đồng thời quản lý hoạt động của ngân hàng hiệu quả và chặt chẽ hơn. 91% giải pháp công nghệ này được cung cấp bởi các đối tác hàng đầu thế giới như Temenos (Thụy Sỹ), System Access (Singapore), I-Flex Solutions (nay là Oracle Financial Software Services Limited - Ấn Độ), Hyundai IT (Hàn Quốc), Silver Lake (Malaysia)… Ngày 17/11/2015, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Công Thương Việt Nam đã lần lượt được Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế (IDG Vietnam) và CEO & CIO Club trao giải ngân hàng điện tử tiêu biểu 2015 và ngân hàng an ninh thông tin tiêu biểu 2015 trong khuôn khổ giải thưởng “Sản phẩm/ Dịch vụ Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam 2015” - Thạch An (2015). Ngoài ra, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng được Asian Banking & Finance (ABF) vinh danh là ngân hàng Việt Nam tốt nhất về Công nghệ và Vận hành 2015 (Hải Tuấn, 2015). Các kết quả trên thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ ngân hàng trong xu hướng hội nhập. Đối với khía cạnh vốn đầu tư, nhờ hạn chế và xóa bỏ rào cản về luân chuyển vốn, quy mô vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng đáng kể, trong đó cơ sự đóng góp của các định chế nước ngoài. Tính từ khi Việt Nam gia nhập WTO, giai đoạn từ năm 2007 đến hết năm 2014, vốn điều lệ của hệ thống đã tăng từ 33.332 tỷ đồng lên 325.321 tỷ đồng (tăng 9,76 lần), tổng tài sản tăng tương ứng từ 1.069.000 tỷ đồng lên 5.657.150 tỷ đồng (tăng 5,29 lần) - tổng hợp từ mục thống kê hoạt động của tổ chức tín dụng tại website Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng, về nhân lực, nhiều ngân hàng đã tuyển dụng nhân sự cấp cao là người nước ngoài như NHTMCP Hàng Hải Việt Nam, NHTMCP Kĩ thương Việt Nam, NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng… Những nhà quản lý này không chỉ mang đến kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức đa quốc gia lớn như Citibank, ANZ, Standard Chartered Bank, ING Bank, HSBC… mà còn có vai trò quan trọng trong việc huấn luyện, chuyển giao công nghệ, thay đổi phong cách quản lý và làm việc theo hướng mở, tiên tiến với các suy nghĩ tích cực. Đó cũng là các chuyên gia giỏi trong việc xây dựng các nền tảng, quy trình hoạt động và kiểm soát của ngân hàng. Thứ ba, tăng tính minh bạch hóa và hiệu quả quản trị rủi ro khi hoạt động hướng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Để hòa nhập vào một thị trường chung thống nhất trong khu vực ASEAN, hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại Việt 571
  10. Nam phải được chuẩn hóa, tiệm cận tới các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Ngoài ra, minh bạch cũng là một trong bốn nghĩa vụ thiết yếu của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS - WTO). Đồng thời, theo yêu cầu của TPP, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, mỗi ngân hàng phải tuân thủ các quy chế về quản trị rủi ro được hướng dẫn bởi Ngân hàng Nhà nước và Hiệp ước Basel II, III. Đáp ứng những đòi hỏi nêu trên, từ năm 2006, các ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam đã phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (Phước Hà, 2006). Các NHTMCP được khuyến khích thực hiện, tiên phong là NHTMCP Hàng Hải Việt Nam, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, NHTMCP Kĩ thương Việt Nam. Thêm vào đó, đến cuối năm 2015 có 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm NHTMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam, NHTMCP Công Thương Việt Nam, NHTMCP Kĩ thương Việt Nam, NHTMCP Á Châu, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Hàng Hải Việt Nam, NHTMCP Sài Gòn Thương tín và NHTMCP Quốc tế Việt Nam. Đến năm 2018, tất cả ngân hàng nêu trên sẽ hoàn thành việc thí điểm và mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng còn lại trong nước (A.D, 2015). Trên cơ sở tuân thủ các quy định, thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng, chắc chắn hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ được cải thiện. Đồng thời, tính minh bạch và tự chịu trách nhiệm cũng được nâng cao. 4. Những thách thức của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế Song song với những cơ hội tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, việc hội nhập quốc tế cũng tạo nên những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của hệ thống. Cụ thể: Một là, giảm thị phần trong nước do sự thâm nhập của các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại website chính thức, tính đến hết tháng 7 năm 2015, tại Việt Nam có sự hiện diện của 5 ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 51 văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài. Các tổ chức này đến từ nhiều nước, trong đó có 4 thành viên thuộc ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Singapore và các quốc gia thuộc TPP, WTO điển hình như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, 572
  11. Nhật Bản, New Zealand... Đây đều là những quốc gia có nền tài chính quy mô lớn và phát triển cao. Cũng tại thời điểm nêu trên, tổng tài sản của khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh là 715.250 tỷ đồng (chiếm 11,01% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam). So với mức 3.065.159 tỷ đồng của khối ngân hàng do nhà nước sở hữu chi phối và 2.713.228 tỷ đồng của khối ngân hàng cổ phần, con số trên là nhỏ bé. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn điều lệ trên tổng tài sản của các ngân hàng nước ngoài và liên doanh lại nhiều nhất (12,66%), nhóm ngân hàng cổ phần đứng thứ hai (7,73%), cuối cùng là khối ngân hàng Nhà nước (chỉ bằng 4,73%). Chịu ảnh hưởng từ những quy định hạn chế đối với tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, thị phần cho vay và huy động của nhóm ngân hàng ngoại còn khiêm tốn, năm 2014, dư nợ cho vay chiếm 8,28% và giá trị huy động bằng 8,19% tổng quy mô cả thị trường (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, 2015). Nhưng so về khả năng sinh lời trên tổng tài sản, nhóm này lại đạt giá trị cao hơn cả. Theo công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước, ROA năm 2014 của các ngân hàng nước ngoài và liên doanh bằng 0,61% (cao hơn mức bình quân của cả hệ thống là 0,51%). Như vậy, dù chiếm thị phần nhỏ song với mức độ an toàn vốn cao và khả năng khai thác tài sản hiệu quả, các ngân hàng nước ngoài sẽ là đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với những ngân hàng nội địa của Việt Nam trong tương lai gần. Tiếp sau AEC, Việt Nam phải nới lỏng, tiến tới xóa bỏ các hạn chế trên thị trường tài chính theo cam kết gia nhập WTO, TPP, FTA… Khi đó, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được phép thực hiện hầu hết các nghiệp vụ như những ngân hàng trong nước. Điều này cũng mở đường cho nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Trong năm 2015, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia) đã hoàn thiện các thủ tục để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 6 tại Việt Nam. Ngân hàng DBS (Singapore) và Maybank (Malaysia) đã mở thêm chi nhánh tại Việt Nam, còn Ngân hàng UOB (Singapore) cũng đang xin nâng cấp hoạt động từ mô hình chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Đặc biệt, Citibank, ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các ngân hàng này dù không có lợi thế địa phương nhưng đổi lại quy mô lớn, sản phẩm phong phú, chất lượng cao, quản trị nội bộ hiệu quả và chuyên 573
  12. nghiệp… nên khả năng thành công trong dài hạn rất lớn. Như vậy, trước sự gia nhập thị trường của các ngân hàng quốc tế, việc duy trì thị phần trong nước như hiện tại sẽ là thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Hai là, khó duy trì hoạt động độc lập, có nguy cơ bị mất quyền kiểm soát hoặc mua lại bởi các định chế tài chính lớn. Như đã phân tích ở trên, duy trì thị phần trong nước là thách thức chung đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nhưng trong dài hạn, với mỗi ngân hàng, còn tiềm ẩn nguy cơ bị thôn tính. Theo cam kết gia nhập AEC, Việt Nam phải điều chỉnh tăng sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng thương mại lên tới 70%. Dù theo lộ trình hội nhập từng bước, tỷ lệ này chưa cần đạt ngay tới mức quy định vào cuối năm 2015 nhưng đến khoảng 40% hoặc 50% là khó tránh khỏi (nhận định của TS. Cấn Văn Lực, trích từ Tạp chí Tài chính, 2015). Để thâm nhập thị trường mới, ngoài phương thức truyền thống - là từng bước thành lập văn phòng đại diện, tiếp đến lập chi nhánh hoặc liên doanh, sau cùng là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các định chế tài chính thế giới có thể lựa chọn mua lại hoặc giành quyền kiểm soát chi phối một ngân hàng cổ phần trong nước. Tuy mất nhiều thời gian tìm kiếm đối tác và khó đàm phán thành công nhưng cách làm này giúp tổ chức nước ngoài tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, tận dụng lợi thế về mạng lưới, sự am hiểu tập quán, môi trường kinh doanh, uy tín của ngân hàng nội địa… Gần đây nhất, năm 2013, Ngân hàng United Overseas của Singapore đã lập kế hoạch mua lại NHTMCP Dầu khí toàn cầu - GPBank, nhằm chuyển GPBank thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Tuy giao dịch này không được thực hiện nhưng vẫn ghi nhận tham vọng của các ngân hàng nước ngoài đối với ngân hàng Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung như đánh giá của bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam, “các nhà băng ngoại đang rất khát khao thị trường Việt Nam và họ đang chờ đợi thời cơ để có được “tấm vé” chính thức” (Hà Tâm, 2015). Mặc dù các ngân hàng thương mại Việt Nam đang nỗ lực tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài song bị mua lại hoặc mất quyền kiểm soát chi phối chắc chắn là điều không mong muốn. Hiện tại, nhiều ngân hàng nước ngoài đang sở hữu từ 15% đến 20% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam. Tiêu biểu là BNP Paribas (20% cổ phần NHTMCP Phương Đông), Commonwealth Bank of Australia (20% cổ phần NHTMCP Quốc tế Việt Nam), Maybank (20% cổ phần NHTMCP An Bình), Societe Generale (20% NHTMCP Đông Nam Á), United Overseas Bank (20% 574
  13. NHTMCP Phương Nam), Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (19,73% NHTMCP Công Thương Việt Nam), HSBC Holdings PLc (19,41% NHTMCP Kĩ thương Việt Nam), Standard Chartered PLc (15,42% NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam), Mizuho Corporate Bank (15% NHTMCP Công Thương Việt Nam) - theo Thái Nam (2015). Từ mức sở hữu cổ phần như trên, khi rào cản về sở hữu và pháp lý khác được dỡ bỏ đối với thành viên ASEAN và sẽ là các thành viên của TPP, WTO trong dài hạn, bằng tiềm lực rất lớn, không loại trừ khả năng đối tác nước ngoài thâu tóm quyền lực và thôn tính ngân hàng Việt. Dù việc này khó thực hiện nhanh chóng song vẫn có thể trở thành hiện thực, đe dọa sự tồn tại độc lập của mỗi ngân hàng và cả hệ thống. Ba là, không đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tại thị trường nước ngoài do năng lực cạnh tranh hạn chế. Như đã trình bày tại mục 2, thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã tích cực mở văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng con tại Lào, Campuchia và Myanmar. Hai thị trường Lào và Campuchia quá nhỏ còn thị trường Myanmar còn nhiều rào cản về pháp lý và mức độ cạnh tranh cao. Theo tổng kết của Thanh Phong (2015) - tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, cho đến tháng 10 năm 2015, mới chỉ có 9 ngân hàng nước ngoài hoàn thành việc thiết lập cơ sở hoạt động tại Myanmar sau quá trình chọn lọc từ 25 ngân hàng xin cấp phép vào cùng kỳ năm 2014. Trong đó gồm những ngân hàng lớn và uy tín tại khu vực châu Á là ICBC (Trung Quốc), Sumitomo Mitsui Banking, Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ, Mizuho Bank (đều của Nhật Bản), Oversea-Chinese Banking Corp và United Overseas (Singapore), Bangkok Bank (Thái Lan) và Malayan Banking (Malaysia). Việc thành lập chi nhánh tại Myanmar của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thủ tục cần thiết. Rõ ràng, cơ hội tại Myanmar là có nhưng không dễ dàng. Đối với các thị trường còn lại ngoài 3 nước nêu trên chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của ngân hàng thương mại Việt Nam là rất thấp do năng lực hạn chế. Kết quả thống kê của SNL Financial về 5 ngân hàng lớn nhất mỗi quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 (trích theo Việt Báo, 2014) cho thấy so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, các ngân hàng Việt Nam vẫn có tài sản nhỏ hơn nhiều. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có quy mô tài sản bằng 33,278 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn ngân hàng lớn thứ tư tại Indonesia (Bank Negara Indonesia - 31,784 tỷ USD) và kém xa những ngân hàng 575
  14. lớn thứ năm tại Singapore (United Overseas Bank - 225,114 tỷ USD), Malaysia (Hong Leong Financial Group - 57,121 tỷ USD) và Thái Lan (Bank of Ayudhya - 36,056 tỷ USD). Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm của 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam chỉ là B2 (theo tiêu chuẩn của Moody’s) và B+ (theo cách đánh giá của Standard & Poor’s và Fitch Rating), trong khi mức thấp nhất của các ngân hàng còn lại trong danh sách là Baa3 và BBB-. Riêng hoạt động của hai chi nhánh NHTMCP Công Thương Việt Nam tại Đức mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện và kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định, chuẩn mực thị trường châu Âu và bước đầu đi vào quảng bá thương hiệu, khuếch trương hình ảnh. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu 6 ngân hàng thương mại Việt Nam đang triển khai hoạt động tại nước ngoài phải rà soát lại hoạt động của các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và có chiến lược kinh doanh phù hợp đảm bảo phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả. Như vậy, việc gia tăng lợi nhuận từ thị trường chung thống nhất AEC và khu vực thương mại tự do để nâng cấp trở thành ngân hàng khu vực, ngân hàng quốc tế thực sự là thách thức, đòi hỏi đổi mới năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam một cách toàn diện và đột phá. 5. Kết luận Hình thành cộng đồng kinh tế chung, khu vực thương mại tự do là xu hướng tất yếu và đang dần trở thành hiện thực, đem lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự tồn tại và phát triển lâu dài của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua thách thức thành công, các ngân hàng thương mại Việt Nam không có lựa chọn nào khác là tăng cường nội lực một cách vững chắc, tạo nền tảng để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, nên tập trung thực hiện một số giải pháp sau: - Tăng vốn điều lệ, củng cố tiềm lực về quy mô vốn kinh doanh. Mục tiêu hướng tới là hình thành một số ngân hàng có mức vốn điều lệ bằng 5 tỷ USD để từ đó nâng tổng tài sản lên khoảng 50 tỷ USD. Các ngân hàng còn lại sẽ có vốn điều lệ xoay quanh mức 1 tỷ USD. Ngoài cách thức phát hành cổ phiếu mới, cần đẩy nhanh quá trình sáp nhập, hợp nhất theo kế hoạch tái cơ cấu hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (kỳ vọng đến năm 2017 sẽ rút gọn hệ thống còn khoảng 15 ngân hàng). - Nâng cao chất lượng tài sản với hai nhiệm vụ chính là giảm nợ xấu và tăng hệ số an toàn vốn. Trong đó, cần hạn chế nợ xấu một cách thực chất (thay vì 576
  15. sử dụng các biện pháp kỹ thuật) dựa trên sự thay đổi căn bản phương thức quản trị rủi ro tín dụng theo đúng nghĩa là khả năng/xác suất vỡ nợ. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%. Đối với mức độ an toàn vốn, trước tiên cần thực hiện đúng theo tiêu chuẩn quốc tế về phân loại vốn và tính hệ số điều chỉnh rủi ro với từng nhóm tài sản. Tiếp theo, thiết lập các quy định an toàn tối thiểu, tiệm cận dần với khuyến nghị của Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel với trọng tâm là duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR ở mức 8%, đồng thời, hướng tới đạt các tỷ lệ an toàn bổ sung, gồm: tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (6%), tỷ lệ an toàn vốn cổ phần thường (4,5%), tỷ lệ dự phòng bảo toàn vốn (2,5%), tỷ lệ đòn bẩy - tính bằng vốn cấp 1 so với tổng tài sản có cộng với các khoản mục ngoại bảng (3%). Trên cơ sở đó, thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ các quy trình tác nghiệp và quản trị nội bộ để đảm bảo các quy định an toàn nêu trên. - Đổi mới công nghệ và tổ chức quản trị bằng cách tăng cường đầu tư cho công nghệ cung cấp dịch vụ và quản trị nội bộ trong tổng thể chiến lược về hiện đại hóa toàn diện theo tiêu chuẩn Basel II, III. Cần chú trọng chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng điện toán đám mây, điện toán di động… để kết nối các bộ phận tác nghiệp; mạng lưới thanh toán và cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia và khu vực một cách nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng nhất trên mọi kênh phân phối. Đồng thời, việc nâng cấp công nghệ và đổi mới cách thức tổ chức quản trị cần gắn liền với các quy định/tiêu chuẩn cần đạt được đối với mọi khía cạnh hoạt động của ngân hàng. - Tuyển dụng nhân sự chất lượng cao thông qua quy trình chọn lọc khắt khe và minh bạch, đặc biệt ở cấp quản lý, ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại các thị trường phát triển trong khối ASEAN hay tại các nước thành viên WTO, TPP. Xây dựng chính sách đãi ngộ và kỷ luật hợp lý, căn cứ vào kết quả đánh giá năng lực thực hiện công việc KPI. Với những nhận thức đầy đủ và hành động kịp thời, hy vọng các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực, duy trì tốc độ phát triển ổn định trên thị trường tài chính khu vực và thế giới. 577
  16. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. A.D (2015) “Ngân hàng đã sẵn sàng cho Basel II”, truy cập ngày 20/12/2015 từ < http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-da- san-sang-cho-basel-ii-20150925090711052.chn>. 2. Anh Thư (2015), “TPP - hiệp định thương mại tự do của thế kỷ XXI”, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 3. Bộ Công Thương Việt Nam (2015), “Hiệp định TPP: ổn định toàn vẹn hệ thống tài chính ngân hàng” , truy cập ngày 20/12/2015 từ < http://baocongthuong.com.vn/hiep-dinh-tpp-on-dinh-toan-ven-he- thong-tai-chinh-ngan-hang.html >. 4. Bộ Tài chính (2015), “Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 (AFMM19)”, truy cập ngày 25/10/2015 từ . 5. Deutsch K. W., Burrell S. A, Kann R. A, Maurice L. J., (1957) , “Political Community and the North Atlantic Area”, Princeton, N.J., Princeton University Press. 6. Hà Tâm (2015), “Ngân hàng ngoại: chuyển hướng đổ bộ vào Việt Nam”, truy cập ngày 26/10/2015 từ < http://baodautu.vn/ngan- hang-ngoai-chuyen-huong-do-bo-vao-viet-nam-d32077.html>. 7. Hải Tuấn (2015), “9 tháng năm 2015: BIDV tăng trưởng vượt trội”, truy cập ngày 20/12/2015 từ < http://baocongthuong.com.vn/9- thang-nam-2015-bidv-tang-truong-vuot-troi.html>. 8. Lương Văn Tự (2015), “Tiến trình gia nhập WTO - cơ hội và thách thức của chúng ta”, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 9. Ngân hàng Nhà nước (2015c), “Lộ trình mở cửa của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong cam kết gia nhập WTO (Số 1/2007)”, Tài liệu Hội nghị triển khai Đề án phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam 578
  17. đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 10. Nguyễn Đức Hiển, Đỗ Thị Bích Hồng, Nguyễn Đình Trung, Lã Xuân Đảng, (2015), “Những vấn đề đặt ra đối với chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, hội thảo quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, trang 341 - 361. 11. Nhuệ Mẫn (2014), “Ngân hàng Việt đầu tư ra nước ngoài - không phải cứ đi là đến…”, truy cập ngày 20/12/2015 từ < http://tinnhanh chungkhoan.vn/tien-te/ngan-hang-viet-dau-tu-ra-nuoc-ngoai- khong-phai-cu-di-la-den-106886.html>. 12. Phước Hà (2006) “NH quốc doanh thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế”, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 13. Phương Linh (2014), “Ngân hàng thương mại Việt Nam mở rộng thị trường ra nước ngoài”, truy cập ngày 26/10/2015 từ . 14. Tạp chí Tài chính (2015), “Ngành ngân hàng sẽ mở cửa 70% hay 50%?”, truy cập ngày 26/10/2015 từ . 15. Thạch An (2015) “Giải thưởng ngân hàng tiêu biểu đề cao giải pháp công nghệ số”, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 16. Thái Nam (2015), “Nước ngoài sở hữu 100% cổ phần ngân hàng Việt - đáng lo ngại hay không?”, truy cập ngày 20/12/2015 từ < http://bizlive.vn/ngan-hang/nuoc-ngoai-so-huu-100-co-phan-ngan- hang-viet-dang-lo-ngai-hay-khong-797812.html>. 17. Thái Phương (2014), “Ngân hàng Việt chạy đua xuất ngoại “kiếm cơm”“, truy cập ngày 26/10/2015 từ
  18. vnmoney/ngan-hang-viet-chay-dua-xuat-ngoai-kiem-com- 20140815111312323.htm>. 18. Thanh Phong (2015), “BIDV kiên trì với Myanmar”, tạp chí Nhịp cầu đầu tư, số 454, ngày 19 - 25 tháng 10 năm 2015, trang 18 - 19. 19. Thời báo kinh tế Việt Nam (2015), “Ngân hàng ngoại đã tiến đến đâu tại Việt Nam?”, truy cập ngày 26/10/2015 từ < http://vneconomy.vn/tai-chinh/ngan-hang-ngoai-da-tien-den-dau- tai-viet-nam-2015091404003890.htm>. 20. Trường Văn (2015), “Ngân hàng Quân đội được mở văn phòng đại diện tại Nga”, truy cập ngày 20/12/2015 từ . 21. Viện Chiến lược và chính sách Tài chính (2015), “Thị trường tài chính Việt Nam và cơ hội từ AEC”, tạp chí Tài chính, kỳ 1 số tháng 4/2015, trang 16 - 19. 22. Việt Báo (2014), “Ngân hàng Việt Nam nằm đâu trong khu vực châu Á?”, truy cập ngày 26/10/2015 từ < http://vietbao.vn/Kinh- te/Ngan-hang-Viet-Nam-nam-dau-trong-khu-vuc-chau- A/120469332/88/>. 580
nguon tai.lieu . vn