Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 05. NGÀNH TOÁN KINH TẾ - TÀI CHÍNH - BẢO HIỂM: HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI TS. Tạ Quốc Bảo Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt Nền kinh tế và thị trường tài chính trong thời kỳ chuyển đổi số (cách mạng công nghiệp 4.0) đang mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế và thị trường tài chính của mỗi quốc gia. Trong đó, nền tảng toán học, thống kê và công nghệ số được xem như cơ sở hạ tầng và là những trụ cột chính đáp ứng sự phát triển. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu vai trò của Toán ứng dụng trong kinh tế, tài chính, bảo hiểm và sự phát triển của lĩnh vực này trên thế giới và ở Việt Nam. Chúng tôi cũng thảo luận về các hướng nghiên cứu và đào tạo của ngành Toán kinh tế, tài chính, bảo hiểm và nhu cầu xã hội tại Việt Nam trong tương lai. Từ khóa: Toán kinh tế, Toán tài chính, Toán bảo hiểm, Mô hình định lượng. 1. MỞ ĐẦU Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và nguồn dữ liệu số hóa, nhiều công ty, viện nghiên cứu, trường đại học,... bắt đầu tập trung vào khai thác, phân tích cơ sở dữ liệu thông qua các mô hình định tính và định lượng. Do đó, Toán học và Thống kê đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu, phát triển và xây dựng các mô hình, xử lý kết quả đầu ra và đề xuất giải pháp. Toán kinh tế cũng như Toán tài chính và bảo hiểm có thể được xem như một nhánh của Toán học ứng dụng. Mục tiêu của ngành là phát triển và xử lý các mô hình toán học sinh ra từ kinh tế, tài chính, 43
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN bảo hiểm và giải thích các hiện tượng của những lĩnh vực này và dự báo những xu hướng phát triển của các đối tượng trong tương lai. Toán kinh tế, tài chính, bảo hiểm (sau đây một số chỗ gọi tắt Toán kinh tế) là sự kết hợp các phương pháp định lượng của toán học cùng với kiến thức kinh tế, tài chính, bảo hiểm, quản trị để giải quyết các bài toán thực tế. Các công cụ làm việc trên máy tính, tuy xếp sau, cũng là một phần quan trọng giúp việc xử lý các bài toán thuận lợi, nhanh chóng và hệ thống hơn, nhất là khi ta có nhiều dữ liệu kích thước lớn. Ta có thể lấy ví dụ trong việc vận hành các hệ thống phức tạp, chẳng hạn sắp xếp lịch trình tối ưu trong hàng không. Một số các bài toán quan trọng cần đến các phương pháp toán học, xác suất thống kê hiện đại và các nguyên lý của kinh tế và tài chính như: bài toán ra quyết định trong môi trường không chắc chắn; bài toán kiểm soát hàng tồn kho của các công ty hay quốc gia dưới sự không chắc chắn của nhu cầu tiêu dùng; bài toán định giá các loại chứng khoán cơ sở, phái sinh hay bài toán định phí bảo hiểm. Toán kinh tế, tài chính, bảo hiểm bao gồm nhiều chủ đề: lý thuyết trò chơi; lý thuyết điểm cân bằng tổng quát; lý thuyết ra quyết định; các mô hình định giá, tối ưu danh mục đầu tư, quản trị rủi ro. Nói chi tiết một chút, Toán tài chính và Toán bảo hiểm hiện đại tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sau: các mô hình của chuyển động giá (chứng khoán, hàng hóa); tối ưu danh mục đầu tư trong thị trường tài chính; các mô hình định giá quyền chọn; mô hình định giá tài sản; mô hình rủi ro tín dụng; mô hình quản trị rủi ro; các mô hình trong bảo hiểm. Ở nhiều quốc gia phát triển, các mô hình định giá quyền chọn là trọng tâm nghiên cứu của toán tài chính nâng cao. Mô hình định giá quyền chọn dựa chính trên các công cụ của lý thuyết xác suất, phương trình vi phân ngẫu nhiên, phương trình đạo hàm riêng và toán học tính toán. Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính đã tạo ra nhiều sản phẩm phái sinh mới dẫn đến việc nghiên cứu các mô hình định giá mới. Nghiên cứu trong lĩnh vực ngành Toán kinh tế, tài chính và bảo hiểm phát triển mạnh mẽ trong một vài thập kỷ gần đây. Những nhu cầu thực tế của thị trường đã thúc đẩy việc đào tạo những chuyên ngành này trên thế giới. Ngày nay, hầu hết các trường đại học lớn đều có đào tạo lĩnh vực này và một số môn trong Toán tài chính, Toán kinh tế, Toán bảo hiểm được đưa vào giảng dạy phổ biến dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn ở hầu hết các trường đại học trên thế giới. 44
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 2. NGÀNH TOÁN KINH TẾ, TÀI CHÍNH, BẢO HIỂM TRÊN THẾ GIỚI Trên thế giới ngành Toán kinh tế, Toán tài chính cũng như Toán bảo hiểm đã phát triển từ rất sớm do nhu cầu thực tế đòi hỏi có sự phát triển liên ngành giữa Toán học và các ngành khoa học khác. Ở châu Âu, các ngành này phát triển rất mạnh tại các trường đại học hàng đầu của Anh quốc, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển. Ở Anh, ta có thể kể tới Trường Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (London School of Economics and Political Science), Đại học Luân Đôn (University of London), Đại học Bath, Đại học Birmingham, Đại học Oxford, Đại học Manchester. Ở Đức có Đại học Munich, Đại học Bielefeld, Viện Nghiên cứu Weierstrass, Đại học Kỹ thuật - Berlin, Đại học Kaiserslautern. Ở Thụy Sĩ có Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) và ở Thụy Điển có Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển (KTH), cùng nhiều trường đại học lớn khác. Tại Mỹ, ta không thể không kể đến các địa chỉ quan trọng như: Viện Toán học Courant, Đại học New York; Trung tâm Tính toán tài chính, Đại học Carnegie Mellon; Viện Toán học tính toán - Đại học Stanford. Tại Úc, cũng có nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo về tài chính định lượng tiêu biểu là trung tâm nghiên cứu tài chính định lượng ở Đại học Công nghệ Sydney. Tại châu Á, hai trong những cơ sở đào tạo tiên tiến về ngành Toán Kinh tế, tài chính, bảo hiểm là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Là một quốc gia phát triển muộn hơn nhiều nước khác, nhưng việc đào tạo và nghiên cứu Toán kinh tế, tài chính và bảo hiểm cũng đang rất được chú trọng ở Thái Lan. Đi đầu ở Thái Lan là Đại học Mahidol và gần đây các trường đại học tại Bangkok đang cạnh tranh mạnh mẽ trong việc đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhiều trường đã chủ động gửi giảng viên đi đào tạo Tiến sĩ và trao đổi với các trường đại học hàng đầu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. 3. NGÀNH TOÁN KINH TẾ, TÀI CHÍNH, BẢO HIỂM Ở VIỆT NAM Với xu thế hội nhập kinh tế - tài chính, lĩnh vực toán kinh tế, tài chính và bảo hiểm gần đây được chú trọng nghiên cứu và đào tạo ở Việt Nam. Hiện nay, một số trường đại học đã đi tiên phong trong đào tạo như: - Khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đào tạo ngành Toán kinh 45
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN tế từ rất sớm (từ năm 1968), và sau đó cũng là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Toán tài chính từ đầu những năm 2000. Từ hơn 10 năm nay, Khoa Toán kinh tế đã hợp tác với Đại học Lyon - Pháp đào tạo cao học Định phí bảo hiểm. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là trường đầu tiên có đào tạo ngành Định phí bảo hiểm và Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Các kết quả tuyển sinh gần đây của Khoa đã cho thấy nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là ngành Định phí bảo hiểm và Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. - Khoa Toán - Thống kê, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đã đào tạo chuyên ngành toán kinh tế và toán tài chính. Trong năm 2019, Khoa đã mở thêm chuyên ngành Phân tích rủi ro và Định phí bảo hiểm. Với ngành mới này, Khoa Toán - Thống kê đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của một số Hiệp hội bảo hiểm uy tín trên thế giới như Hiệp hội Bảo hiểm của Mỹ. - Khoa Toán - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo ngành toán ứng dụng với định hướng tài chính định lượng. Do đặc thù của ngành này đòi hỏi sinh viên có kiến thức và nền tảng Toán học tốt; vì vậy, sinh viên của Khoa Toán - Tin học có một số lợi thế nhất định. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có những vị trí cao trong các Công ty Tài chính, Bảo hiểm của nước ngoài đặt tại Việt Nam. - Bộ môn Toán, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo toán ứng dụng (kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro) từ năm 2013. Lợi thế của sinh viên Trường Đại học Quốc tế là tiếng Anh, do đó việc tiếp cận các tài liệu tiên tiếng Anh cũng như học các công cụ lập trình hỗ trợ mô phỏng khá thuận lợi. - Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã mở đào tạo chuyên ngành Toán ứng dụng trong kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh từ năm 2018. Với mục tiêu đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế, Khoa đã có một số chương trình hợp tác với các trường đại học hàng đầu của châu Âu và khu vực như: Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển, Đại học City Dublin - Ireland, Đại học Chiang Mai - Thái Lan. Nắm bắt xu thế thời kỳ chuyển đổi số, Khoa đã chủ động định hướng đào tạo theo cách tiếp cận phân tích dữ liệu, tận dụng nguồn cơ sở dữ liệu kinh tế và tài chính sẵn có của trường cũng như các đơn vị liên quan. - Bộ môn Toán - Thống kê, Trường Đại học Tài chính - Marketing đã có chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính định lượng từ nhiều năm nay. Hiện tại, đã có 46
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN một khóa sinh viên ra trường với kết quả khả quan. Điều này phản ánh nhu cầu hiện tại của thị trường, từ đó giúp định hướng phát triển chuyên ngành Toán kinh tế - tài chính trong tương lai sắp tới. Trong một cuộc khảo sát gần đây về nhu cầu xã hội trong đào tạo ngành Toán kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế - Luật và một số trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuyệt đại đa số người tham gia khẳng định rằng, hiện nay “các phương pháp định lượng, phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng trong kinh tế, quản trị, tài chính” là rất cần thiết cho “cho sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ tại Việt Nam”. Phía các doanh nghiệp, nhiều nơi hiện sử dụng giải pháp nhập khẩu lao động và chuyên gia từ nước ngoài vì trong nước nguồn đối tác còn nhiều hạn chế. Hầu hết các ý kiến khảo sát cũng ủng hộ việc mở chương trình đào tạo Toán Kinh tế chất lượng cao, ở đó sinh viên có cơ hội thực hành nghiên cứu, nhiều cơ hội làm đề tài và học hỏi trực tiếp từ các giảng viên đầu ngành, có thể tiếp cận kiến thức chuyên sâu thông qua nguồn tài liệu tiếng Anh. 4. XU THẾ PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI Về nghiên cứu, hầu hết các mô hình Toán kinh tế và tài chính dựa trên một số mô hình nổi tiếng đã được sử dụng rộng rãi trong những năm qua như: mô hình cân bằng (Equilibrium model), mô hình cân bằng động ngẫu nhiên (Dynamic Stochastic General Equilibrium - DSGE), mô hình tối ưu danh mục đầu tư Markowitz, mô hình Black-Scholes, các mô hình phân tích chuỗi thời gian như ARCH, GARCH, ARIMA, VAR. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà kinh tế nhận thấy, có một số thiếu sót trong các mô hình kinh tế hiện tại, chẳng hạn như mô hình DSGE đã không dự báo được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế cũng như thị trường tài chính đã không được coi là một hệ hành vi phức hợp. Đây chính là cơ sở cho sự ra đời của Lý thuyết kinh tế hành vi và tài chính hành vi (Behavioral Economics, Behavioral Finance). Một số mô hình mới kết hợp với các mô hình học máy (Machine learning), học sâu (Deep learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big data analysis) đã được phát triển và nghiên cứu trong những năm qua như: mô hình tính toán mô phỏng hệ tác nhân (Agent-based computational modeling), mô hình mạng (Network analysis), Deep Neural Network. Trong lĩnh vực Toán tài chính, một số vấn đề đang được nhiều người quan tâm như: 47
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN - Bài toán tối ưu danh mục đầu tư dựa trên mô hình cổ điển Markovitz và các dạng liên quan. Mô hình này thường chỉ dựa chính trên thông tin về thị trường, chưa tính đến thông tin riêng của các nhà đầu tư. Gần đây, mô hình Black-Litterman đã khắc phục được hạn chế này, tức là có bao gồm thông tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều phương pháp xác định các yếu tố có liên quan đến quan điểm của các nhà đầu tư trong các tài sản thuộc danh mục. Sự phát triển của học máy và AI có thể cung cấp những cách tiếp cận để xử lý các vấn đề trên. - Các bài toán điều khiển ngẫu nhiên trong tài chính thường có số chiều lớn như bảo hộ giá trong thị trường với chi phí giao dịch hoặc các ràng buộc liên quan đến thanh khoản. - Các bài toán dự báo với số chiều lớn như bài toán đầu tư dài hạn, bài toán lựa chọn mô hình tối ưu. - Gần đây với sự phát triển của Lý thuyết học sâu (Deep learning), các ứng dụng của lý thuyết này trong tài chính cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên việc sử dụng Lý thuyết học sâu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, cần được nghiên cứu chi tiết với các tình huống cụ thể. Một số ứng dụng của Lý thuyết học sâu trong tài chính gồm: Định giá sâu (Deep pricing) cho bài toán quyền chọn kiểu Mỹ; Bảo hộ sâu (Deep hedging) sử dụng mạng nơ-ron cho bài toán xấp xỉ chiến lược bảo hộ. Trong lĩnh vực Toán bảo hiểm, bài toán xây dựng mô hình dựa trên các dữ liệu về yêu cầu bồi thường bảo hiểm hay dữ liệu liên quan đến tỷ lệ tử vong, là một trong những bài toán quan trọng. Các dữ liệu của ngành bảo hiểm trên thế giới thường là các dữ liệu lớn. Đặc điểm của các dữ liệu này là tính không ổn định với độ biến động cao và có phân phối đuôi nặng. Do đó, cần có các công cụ của thống kê hiện đại và học máy, cũng như học sâu để phân tích dữ liệu. Về lĩnh vực đào tạo: Để tiếp cận được với thực tế trong xu thế thời đại chuyển đổi số cần có những công cụ hiện đại của Toán học, xác suất - thống kê, Quá trình ngẫu nhiên, giải tích ngẫu nhiên, học máy và nền tảng kinh tế, tài chính. Hầu hết các trường đại học trên thế giới đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp dựa trên các nền tảng kiến thức nêu trên. Một vài năm gần đây, với sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và phân phối mạng dữ liệu tự động (công nghệ Blockchain) tạo nền tảng cho công nghệ tài chính (Fintech) đã mang tới sự chuyển đổi lớn trong các ngân hàng, doanh nghiệp và các công ty bảo hiểm. Các thuật toán giao dịch tự động 48
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN (AIgo-trading) cũng đang bắt đầu phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, một số công ty chứng khoán cũng đã bắt đầu có kế hoạch triển khai dự án này. Do vậy, trong tương lai, các chương trình đào tạo về Toán ứng dụng trong kinh tế - tài chính và bảo hiểm tại Việt Nam cũng cần chú trọng cung cấp các kỹ năng này cho sinh viên. Theo chúng tôi, một số nội dung chính cần nên đưa vào giảng dạy bao gồm: Mô hình định giá tài sản, Định giá quyền chọn phái sinh, Kinh tế lượng cho thị trường tài chính, Quản trị rủi ro, Lý thuyết trò chơi và ra quyết định, Tối ưu danh mục đầu tư, Các phương pháp thống kê và lập trình phân tích dữ liệu, Học máy, Các phương pháp số. 5. KẾT LUẬN Trong những năm qua kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Đã có nhiều các công ty tài chính và các quỹ đầu tư và các công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Việt Nam cũng đã mở cửa thị trường phái sinh và các tổ chức tín dụng cơ bản đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II. Mặt khác, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời kỳ chuyển đổi số. Do đó, cần nhu cầu lớn về nhân lực trình độ cao, có kỹ năng tốt về Toán, Xác suất, Thống kê và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, số lượng các trường đại học có đào tạo về lĩnh vực Toán Kinh tế, Toán tài chính và Toán bảo hiểm còn khá khiêm tốn. Vì vậy, cần có thêm các cơ sở đào tạo trình độ đại học và sau đại học về chuyên ngành ứng dụng Toán trong Kinh tế, Tài chính và Bảo hiểm để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Francesco Rundo, Francesca Trenta, Agatino Luigi di Stallo and Sebastiano Battiato (2019), Machine Learning for Quantitative Finance Applications: A Survey. Applied Sciences. 2. Frank J. Fabozzi, Sergio M. Focardi, Petter N. Kolm (2016) Trends in Quantitative Finance. CFA Institute. 3. A.E. Kyprianou (2014), The UK Financial Mathematics M. Sc, Arxiv 2014. 4. T. Zariphopoulou (2011), Mathematical Finance: Past, present and future. University of Heidelberg, 2011. 49
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TOÁN KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 5. Ralf Korn (2013), Modern mathematics for Finance and Economics, ERCIM News 78, 2013. 6. Frank Riedel (2011), Mathematics and Economics. Mathematics Colloquium Bielefeld, January 2011. 7. European Mathematical Information Service, Mathematical Finance. https:// www.emis.de/community/financial-mathematics/departments/index.html 50
nguon tai.lieu . vn