Xem mẫu

  1. NÂNG CAO KỸ NĂNG VIẾT BÀI BIỆN HỘ VÀ TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH DÀNH CHO SINH VIÊN Trần Thị Thảo TÓM TẮT Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, hoạt động “Phiên tòa giả định” đang dần trở nên phổ biến và thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên luật. Thông qua hoạt động này, các bạn sinh viên có thể trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản và cần thiết về hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Bài tham luận này đề cập đến những vấn đề khái quát về bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ của sinh viên tại phiên tòa giả định; một số kỹ năng cần thiết trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa giả định và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ và tranh tụng tại phiên tòa giả định dành cho sinh viên ngành Luật và ngành Luật Kinh tế. Từ khóa: kỹ năng viết bài biện hộ, kỹ năng tranh tụng. NỘI DUNG 1. Một số vấn đề khái quát về bài biện hộ và kỹ năng viết bài biện hộ của sinh viên tại phiên tòa giả định. 1.1. Định nghĩa bài biện hộ. Theo Hiệp hội Công tác xã hội (2000), biện hộ là hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhằm đem lại công bằng xã hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội.50 Trong hoạt động phiên tòa giả định, biện hộ là tổng hợp những phương pháp, kỹ năng, lập luận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể mà người biện hộ hướng đến. Theo đó, có thể hiểu, bài biện hộ là một bản trình bày cụ thể, rõ ràng và nhất quán những căn cứ, lập luận, những câu hỏi được chuẩn bị trước nhằm phục vụ cho việc tiến hành phiên tòa giả định. 1.2. Quy định của một bài biện hộ. Thứ nhất, trong một phiên tòa giả định, bất cứ các bên trong tranh chấp đều cần phải làm sáng tỏ hai vấn đề đó là các sự kiện pháp lý và những quy định pháp luật sẽ được áp dụng để giải quyết các tình huống pháp lý.  Sinh viên khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Email: Thaotran.220300@gmail.com. 50 https://www.academia.edu/35463064/L%C3%9D_thuy%E1%BA%BFt_CTXH 98
  2. Thứ hai, các chứng cứ hay tình tiết của vụ việc thường được trình bày trong phần Báo cáo về tình tiết của vụ việc và phần lập luận. Những chứng cứ được trình bày trong phần báo cáo sẽ được tiếp tục sử dụng trong phần lập luận để minh chứng cho các luận điểm pháp lý. Việc trình bày chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính trung thực, không được sai lệch với những gì đã xảy ra, dù là thiếu sót hay dư thừa. Để việc trình bày chứng cứ trong bài biện hộ có tính thuyết phục cao, sinh viên cần nắm vững những nguyên tắc sau: (i) Chứng cứ phải liên quan trực tiếp đến luận điểm cần giải thích, không có những chi tiết thừa, chi tiết không quan trọng. (ii) Chứng cứ phải thể hiện được quan điểm biện hộ của mình và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc lý giải từng luận điểm pháp lý. (iii) Việc sử dụng từ ngữ phải sống động, tạo ấn tượng mạnh gây sự thu hút đối với người đọc nhưng không được thể hiện tính suy luận chủ quan của người viết. Thứ ba, một bài biện hộ thường có bố cục chung như sau: Một là, tiêu đề: Tiêu đề của bài biện hộ là nội dung chính cần được trình bày ở trang đầu tiên. Thông thường, những nội dung cần phải thể hiện ở phần này bao gồm các nội dung sau: (i) Thông tin người gửi (tên của luật sư viết bài biện hộ); (ii) Thông tin người nhận (trong phiên tòa giả định, cơ quan giải quyết tranh chấp giả định – tòa án/trọng tài – sẽ xem xét vụ việc); (iii) Thời gian gửi bài biện hộ; (iv) Tên vụ việc: cần phải thể hiện tên đầy đủ của các bên tranh chấp và vấn đề tranh chấp của vụ việc hoặc đối tượng tranh chấp; Hai là, mục lục: Phần mục lục là sự sắp xếp khoa học những vấn đề chính và các vấn đề phụ bằng cách đặt tên các tiêu đề của từng luận điểm. Ba là, tóm tắt: Đây là phần giới thiệu tóm lược nội dung của bài biện hộ, đồng thời nhấn mạnh lập luận của người viết, trong đó nêu ngắn gọn vị trí tố tụng, bản chất vụ kiện, mô tả yêu cầu và các biện pháp khắc phục thông qua yêu cầu. 99
  3. Bốn là, báo cáo về tình tiết của vụ việc: Thông qua phần này, người biện hộ thể hiện được quan điểm có lợi cho mình qua cách trình bày các sự kiện trong vụ việc, đồng thời giúp thẩm phán có thể hiểu được những chứng cứ liên quan trực tiếp đến việc yêu cầu tòa ra phán quyết. Năm là, phần lập luận: Đây là phần tạo cơ sở cho hoạt động tranh tụng diễn ra hiệu quả tại phiên tòa. Người viết cần được trang bị tốt khả năng tổng hợp và phân tích các vấn đề pháp lý bên cạnh kỹ năng tìm kiếm và xử lý nguồn luật sẽ được áp dụng. Sáu là, phần kết luận: Việc chốt lại vấn đề và khẳng định lại mục đích của bài biện hộ. Thứ tư, bài biện hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc, thông tin được truyền tải trong bài phải rõ ràng, logic. Việc trình bày ngắn gọn và hướng đến các vấn đề chính, sẽ giúp người đọc định hướng vấn đề một cách nhanh chóng và hiểu được tổ chức của bài biện hộ. Hệ thống các câu hỏi theo cụm vấn đề và lần lượt trả lời chúng để người đọc kết nối được các vấn đề. Văn phong sử dụng trong một bài biện hộ phải trong sáng và đúng ngữ pháp. Không dùng văn nói; dùng đại từ (chúng, nó) cho những đối tượng (thường là thân chủ của bên đối trọng); dùng tùy tiện các loại dấu câu khiến cho ý nghĩa diễn đạt không chính xác. 1.3. Kỹ năng viết bài biện hộ cho sinh viên tại phiên tòa giả định. 1.3.1. Định nghĩa kỹ năng. Theo A.V. Petrovxki, “kỹ năng là sự vận dụng những tri thức, kỹ xảo đã có để lựa chọn thực hiện những phương thức hành động tương ứng với mục đích đề ra”. Theo Bùi Trọng Giao, “kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi”. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều thừa nhận rằng kỹ năng được hình thành khi chúng ta áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng học được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một chuỗi hành động nhất định nào đó. Kỹ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng. 1.3.2. Định nghĩa kỹ năng viết bài biện hộ. Kỹ năng viết bài biện hộ là tập hợp những kiến thức lý luận mà sinh viên đã được học thông qua chương trình đào tạo tại trường, trên sách báo, phương tiện thông 100
  4. tin điện tử cũng như sự học hỏi tại các cơ quan mà sinh viên được tham gia học việc. Ngoài những kiến thức lý luận về pháp luật thì người viết bài biện hộ cần vận dụng tốt những vấn đề thực tiễn, phân tích những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc để đưa ra những lập luận sắc bén nhất, logic và có lợi nhất trong bài biện hộ. Muốn xây dựng kỹ năng viết bài biện hộ tốt, trước hết cần xuất phát từ mong muốn làm phong phú sự hiểu biết của bản thân, để hoàn thiện nhân cách của mình. Cho dù có Thầy hay không thì ta vẫn chủ động tìm kiếm tri thức, dù chưa được tham gia trực tiếp hay đã được tham gia vào việc viết bài biện hộ thì cũng cần tham dự những phiên tòa giả định để biết được cách thức bài biện hộ của những cá nhân khác ra sao, từ đó có thể học hỏi cái hay và rút kinh nghiệm cho bản thân thông qua những vấn đề chưa hiệu quả mà cá nhân khác đã thực hiện, đó chính là những điều kiện then chốt để có được một kỹ năng viết bài biện hộ trong sinh viên. Nắm được kỹ năng viết bài biện hộ là khi sinh viên biết cách viết, cấu trúc bài viết, trình tự thủ tục khi tiến hành viết bài biện hộ, biết cách sắp xếp các lập luận phù hợp với từng sự kiện xảy ra một cách logic và mạch lạc. 1.3.3. Ý nghĩa đối với sinh viên khi vận dụng tốt kỹ năng viết bài biện hộ tại phiên tòa giả định. Thứ nhất, sinh viên vận dụng tốt kỹ năng viết bài biện hộ tại phiên tòa giả định có ý nghĩa đối với quá trình tham gia học tập tại trường. Một bài biện hộ chỉ được kết quả cao khi nó thuyết phục được người đọc suy nghĩ và hành động theo cách mà chúng ta mong muốn. Từ đó sẽ nâng cao hiệu quả làm việc của bản thân trong phiên tòa giả định cũng như đem lại hiệu quả công việc, không phụ sự cố gắng của tất cả thành viên tham gia phiên tòa giả định. Bên cạnh đó, rèn luyện kỹ năng viết bài biện hộ sẽ tạo cho sinh viên nhiều cơ hội khi nhà trường tổ chức các phiên tòa giả định lần tiếp theo cũng như có điều kiện để tiếp cận với các phiên tòa giả định mang tầm vóc lớn hơn trong phạm vi cả nước. Bản thân sinh viên khi vận dụng tốt kỹ năng viết bài biện hộ sẽ là cơ hội để học hỏi kiến thức mới, đồng thời củng cố kiến thức đã học một cách cụ thể nhất trong từng chi tiết của vụ việc trong phiên tòa giả định. Thứ hai, việc sinh viên vận dụng tốt kỹ năng viết bài biện hộ tại phiên tòa giả định còn có ý nghĩa đối với công việc trong tương lai. 101
  5. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường, nếu sinh viên đã được rèn luyện kỹ năng viết bài biện hộ một cách thành thạo thì đó chính là một thành công lớn trong chặng đường học tập tại trường. Thông qua đó giúp cho đoạn đường tiến tới công việc trong tương lai, đặc biệt là đối với những sinh viên lựa chọn nghề luật sư thì sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với những sinh viên chưa tiếp cận cũng như chưa vận dụng được kỹ năng viết bài biện hộ. Mặt khác, nếu trong các công việc khác, khi việc biện hộ không phải là chính yếu nhưng khi có cơ hội công việc liên quan thì bản thân sinh viên đã được trang bị kỹ năng viết bài biện hộ cũng sẽ có lợi thế hơn, được cấp trên ưu tiên giao phó. 2. Một số vấn đề khái quát về kỹ năng tranh tụng của sinh viên tại phiên tòa giả định. 2.1. Định nghĩa kỹ năng tranh tụng. Tranh tụng là việc vận dụng quy định pháp luật và tình tiết sự việc tạo thành hoạt động sử dụng ngôn từ pháp lý một cách logic, đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ có căn cứ, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề. Theo nghĩa rộng: Tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Theo nghĩa hẹp: Tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đồng thời, theo như định nghĩa về kỹ năng đã được trình bày ở phần trước, có thể rút ra định nghĩa về kỹ năng tranh tụng là việc người biện hộ vận dụng những hiểu biết, kiến thức và tiềm lực của bản thân vào trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa giả định nhằm bảo vệ những lập luận trong bài biện hộ đã được chuẩn bị trước đó. 2.2. Một số kỹ năng cần thiết trong quá trình tranh tụng. Thứ nhất, kỹ năng trình bày: Trình bày là một kỹ năng cơ bản trong quá trình tranh tụng. Nội dung bài biện hộ cần ngắn gọn, tập trung và phải đáp ứng một nhu cầu thông tin cụ thể. Biện hộ chỉ 102
  6. thành công khi các bên đều tích cực tham gia tranh luận, phân tích và chấp nhận những ý kiến vừa được trình bày, mang lại lợi ích tốt nhất cho thân chủ. Vì vậy, để bài biện hộ dễ dàng được tất cả người nghe tiếp thu thì việc trình bày cần đảm bảo rõ ràng, xác định đúng trọng tâm vấn đề, ngôn từ chính xác, thái độ tự tin và giữ chừng mực trong cử chỉ. Thứ hai, kỹ năng quan sát: Quan sát là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp và thu thập thông tin. Một số nhà nghiên cứu đã kết luận rằng có đến 2/3 lượng thông tin được thu nhận thông qua đôi mắt. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong buổi tranh tụng tại phiên tòa giả định, sinh viên cần quan sát để biết những người tham gia phản ứng như thế nào với những nội dung mà mình đang trình bày; phân loại từng nhóm hành vi; phân tích nhanh ý nghĩa, nguyên nhân của từng hành vi và sau đó có cách ứng xử và can thiệp phù hợp. Thứ ba, kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe không thể thực hiện cùng lúc với những hoạt động khác, có nghĩa là khi lắng nghe cần tạm dừng những suy nghĩ và lời lẽ của mình. Khi lắng nghe, người tranh tụng sẽ hiểu rõ và chính xác những diễn biến trong phiên tòa nhằm có những đáp ứng kịp thời và phù hợp. Người tranh tụng không những lắng nghe những thông tin, ý kiến mà còn phải lắng nghe cả những cảm xúc, động cơ mong muốn của người tham gia để kịp thời đáp ứng nhu cầu của họ. Khi lắng nghe, người tranh tụng không nên lơ đãng với người nói, coi thường câu chuyện của họ; cắt ngang lời nói hoặc giục họ kết thúc nhanh câu chuyện; liếc nhìn đồng hồ hay đưa ra những nhận xét mang tính đả kích mà cần giữ yên lặng, thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng những ý kiến, vấn đề mà chủ thể khác trình bày. Thứ tư, kỹ năng đàm phán: Người biện hộ khi tham gia tranh tụng cần dựa trên nguyên tắc mềm mỏng nhưng cứng rắn. Cụ thể là mềm mỏng về yếu tố con người. Cứng rắn về bản chất sự việc và giải pháp mang tính thuyết phục. Người biện hộ cần xác định được mục tiêu hướng đến và mục tiêu có thể chấp nhận được trong cuộc đàm phán, cần xây dựng những chiến lược đàm phán phù hợp và có phương án thay đổi linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn trong phiên tòa cũng như thái độ của phía đối diện đối với vấn đề. 103
  7. Thứ năm, kỹ năng giữ bình tĩnh tốt và các kỹ năng mềm khác: Trong quá trình tranh tụng, không thể tránh khỏi những xung đột, xuất hiện những căn cứ mâu thuẫn với nhau, những lập luận mang tính đả kích hay những vấn đề không có lợi cho phía mình thì bản thân người biện hộ cần giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và xử lý linh hoạt, mềm dẻo, tránh tức giận hay tỏ thái độ rõ rệt về vấn đề vừa xảy ra. 3. Một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ và tranh tụng tại phiên tòa giả định dành cho sinh viên ngành luật và ngành luật kinh tế. 3.1. Về phía Nhà trường. Thứ nhất, cần tăng cường số lượng các phiên tòa giả định. Cần tăng cường việc tổ chức các phiên tòa giả định, tăng cường về số lượng phiên tòa sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tham gia nhiều hơn. Chính việc được có cơ hội tham gia sẽ thúc đẩy tinh thần năng động, tích cực trong sinh viên trong quá trình học tập tại Trường. Thứ hai, cần sớm đưa phiên tòa giả định vào chương trình đào tạo của Nhà trường. Phiên tòa giả định nên trở thành một học phần trong quá trình đào tạo học viên tại nhà trường. Học phần này được sắp xếp vào năm thứ hai là phù hợp nhất. Bởi lẽ, đây là khoảng thời gian sinh viên đã được tiếp cận những học phần lý luận cơ bản về pháp luật. Vào năm thứ hai, khi sinh viên tiếp cận với học phần này sẽ giúp họ có cái nhìn tổng quan về phiên tòa giả định, biết được vấn đề nào bản thân cần bổ sung, ngay từ đây họ dễ dàng cảm nhận được mình có phù hợp với hoạt động này hay không, nếu có thì đây sẽ là cơ hội tốt để theo đuổi trong khoảng thời gian hai năm còn lại khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thứ ba, cần thiết tạo nên nhiều cuộc thi viết bài biện hộ cho sinh viên. Về phía Đoàn, Khoa, các Câu lạc bộ đội nhóm cần mang việc viết bài biện hộ thành một cuộc thi. Tổ chức các cuộc thi về viết bài biện hộ trong một tình huống cụ thể trong phiên tòa giả định sắp tới, kết quả của cuộc thi sẽ là những bài biện hộ xuất sắc nhất. Thông qua đó thì hiệu quả của phiên tòa giả định sẽ đạt kết quả cao hơn, đồng thời thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên. 104
  8. 3.2. Về phía sinh viên. Thứ nhất, tăng cường tham gia các phiên tòa giả định: Sinh viên cần chủ động đăng ký tham gia những phiên tòa giả định do các câu lạc bộ, nhà trường tổ chức. Bởi đây là cơ hội tốt để bản thân thử sức, được trau dồi kiến thức và những kỹ năng cần thiết cho hoạt động sự nghiệp sau này. Thứ hai, tích cực tham gia vào các câu lạc bộ đội nhóm: Sinh viên nên tham gia vào các câu lạc bộ đội nhóm nhằm học hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đi trước, đặc biệt hoạt động của Câu lạc bộ Luật gia tương lai là một trong những câu lạc bộ tiêu biểu trong việc tổ chức các phiên tòa giả định cho sinh viên. Việc tham gia và trở thành thành viên câu lạc bộ phải thật sự dựa trên ý chí của cá nhân, không chạy theo đám đông và tham gia cho lấy lệ. Khi bản thân sinh viên thật tâm tham gia vào hoạt động phiên tòa giả định mà câu lạc bộ đội nhóm tổ chức thì kết quả đạt được cao hơn rất nhiều vì ngoài sự cố gắng của bản thân thì còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ phía những anh chị đi trước. Thứ ba, tự giác rèn luyện nâng cao kỹ năng: Việc rèn luyện kỹ năng không phải là vấn đề một sớm một chiều mà có được, vì vậy sinh viên cần kiên trì học hỏi không những ở trường, ở lớp mà còn có thể tham khảo trên các trang thông tin điện tử hay những phiên tòa thực tế tại địa phương của Tòa án nhân dân các cấp. 4. Kết luận Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi cử nhân luật khi ra trường phải đáp ứng những kỹ năng cơ bản để bắt kịp thời đại. Với xu hướng đó, việc tham gia phiên tòa giả định sẽ là một bước đi đúng đắn, là hành trang vững chắc để những sinh viên của trường Đại học Luật – Đại học Huế khi ra trường có thể sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Với mục tiêu đó, bài tham luận đã trình bày những vấn đề cơ bản về bài biện hộ, kỹ năng viết bài biện hộ và kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa giả định, từ đó đề ra những biện pháp nhằm giúp nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ và tranh tụng dành cho sinh viên ngành Luật và ngành Luật kinh tế. 105
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. TS. Trần Việt Dũng, Nguyễn Chí Hằng Hải, “Áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong giảng dạy kiến thức và kỹ năng pháp lý cho sinh viên luật”, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, tr 74 – 80. 2. “5 kỹ năng cơ bản của một luật sư tranh tụng giỏi cần phải có”, Global Vietnam Lawyers, https://gvlawyers.com.vn/, https://gvlawyers.com.vn/5-ky-nang- co-ban-cua-mot-luat-su-tranh-tung-gioi-can-phai-co/?lang=vi, truy cập ngày 11/10/2021. 3. “Cấu trúc câu trả lời phần tranh luận và phần viết memorandum”, Legal Research & Advisory Club, https://lracuel.org/, https://lracuel.org/2017/07/14/cau- truc-c-u-tra-loi-phan-tranh-luan-va-phan-viet-memorandum/, truy cập ngày 11/10/2021. 4. “Nâng cao kỹ năng tranh tụng của Luật sư Việt Nam bên thềm hội nhập”, Công ty Luật TNHH Đại Việt, http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/nang-cao-ky- nang-tranh-tung-cua-luat-su-viet-nam-ben-them-hoi-nhap, truy cập ngày 15/10/2021. 5. “Kỹ năng biện hộ”, Trung tâm nghiên cứu – Tư vấn CTXH & PTCĐ, TaiLieu.TV, http://tailieu.tv/, http://tailieu.tv/tai-lieu/ky-nang-bien-ho-30206/, truy cập ngày 09/10/2021. 6. “Khái niệm tranh tụng là gì”, Luật sư Bảo hộ, https://luatsubaoho.com/, https://luatsubaoho.com/phapluat/khai-niem-tranh-tung-la-gi/, truy cập ngày 10/10/2021. 106
nguon tai.lieu . vn