Xem mẫu

  1. NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA FDI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ThS. Nguyễn Đức Hoàng Thọ Trường Đại học Trần Quốc Tuấn Tóm tắt Đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của thành phố Đà Nẵng. Hoạt động của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân... Bài viết đánh giá hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn thành phố theo các tiêu chí như hệ số Icor, hiệu quả đóng góp ngân sách thành phố, hiệu quả việc làm và hiệu quả thu nhập trên cơ sở những số liệu thống kê sẵn có. Từ đó, đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng theo định hướng phát triển bền vững. Từ khóa: Hiệu quả kinh tế - xã hội, FDI, Đà Nẵng, phát triển bền vững 1. GIỚI THIỆU Qua hơn 30 năm Đổi mới, có thể khẳng định, FDI giữ một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển KT - XH Việt Nam, điều đó cũng đúng với những địa phương có khả năng thu hút và hấp thụ được dòng vốn FDI như Đà Nẵng. Nhìn chung, khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách thành phố, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, dòng vốn FDI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho quá trình phát triển KT - XH của Đà Nẵng. Thông thường, mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài và địa phương tiếp nhận đầu tư là không thống nhất. Mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài là khai thác và tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế, nguồn lực của các địa phương tiếp nhận đầu tư nhằm thu lợi nhuận tối đa. Trong khi đó, mục tiêu xuyên suốt của các địa phương tiếp nhận đầu tư là hướng tới phát triển bền vững, mà trước hết là phát triển bền vững về kinh tế. Bàn về mối quan hệ giữa FDI và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Nguyễn Tiến Dũng (2015) cho rằng, FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia/địa phương tiếp nhận đầu tư được hiểu là khi khu vực kinh tế này đáp ứng các kỳ vọng của quốc gia/ địa phương tiếp nhận đầu tư. Để đánh giá thực chất những đóng góp của khu vực FDI đối với quá trình phát triển KT - XH của địa phương tiếp nhận đầu tư thì hiệu quả KT - XH của khu vực FDI được coi là tiêu chuẩn cao nhất được sử dụng. 236
  2. Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của khu vực FDI trên các khía cạnh khác nhau, tiêu biểu như các nghiên cứu của Hà Thanh Việt (2005), Đinh Thúy Phương (2007), Dương Thị Bình Minh và Phùng Thị Cẩm Tú (2009), Lâm Thùy Dương (2011), Nguyễn Tiến Dũng (2015), Nguyễn Thị Thoa và Trần Thị Thái (2016), Phạm Thị Thúy (2018),... Nhìn chung, các nghiên cứu này đã chỉ ra được các vấn đề cả về lý luận và thực tiễn liên quan đến hiệu quả KT - XH của khu vực FDI ở cấp độ địa phương tiếp nhận đầu tư; đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả KT - XH của khu vực FDI gồm: Icor của khu vực FDI, hiệu quả đóng góp ngân sách, hiệu quả xuất khẩu, mức độ cải thiện năng lực công nghệ của địa phương, hiệu quả việc làm và thu nhập... Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào bàn về vấn đề hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng, đặc biệt là trong bối cảnh gắn với mục tiêu phát triển thành phố bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả cho rằng cố gắng đánh giá hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo các tiêu chí như hệ số Icor, hiệu quả đóng góp ngân sách thành phố, hiệu quả việc làm, hiệu quả thu nhập... trên cơ sở nguồn số liệu thống kê sẵn có. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong quá trình hoạt động của khu vực FDI trong quá trình phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, đưa ra kiến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng theo định hướng phát triển bền vững. Phần tiếp theo của bài viết trình bày về tình hình thu hút và sử dụng FDI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đánh giá hiệu quả KT - XH của khu vực FDI. Cuối cùng, bài viết trình bày kết luận và kiến nghị chính sách. 2. FDI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG Những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tạo nhiều điều thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI phục vụ phát triển KT - XH và bước đầu, đã đạt được những kết quả khả quan; số dự án được cấp phép không ngừng tăng lên qua từng năm. Lũy kế đến ngày 31/12/2017, Đà Nẵng thu hút được 572 dự án, trong đó, giai đoạn 2013 - 2017, thu hút được 335 dự án (bằng 58,56% tổng số dự án đã thu hút được). Bảng 1. FDI được cấp phép trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2017 Số dự án Tổng vốn đăng ký Vốn thực hiện (triệu được cấp phép (triệu USD) USD) 1995 - 2012 237 3.233,6 1.593,05 2013 41 62,50 251,40 2014 34 129,60 248,10 2015 71 95,18 111,74 2016 77 76,89 135,09 2017 112 155,36 121,88 Tổng 572 3.753,13 2.461,26 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b). 237
  3. Từ năm 2018 đến nay, thu hút FDI vào Đà Nẵng đã có sự khởi sắc. Trong 11 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng thu hút được 126 dự án mới, với vốn đăng ký là 155,93 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2017 (Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 2018a). Bước sang năm 2019, dòng vốn FDI có sự đột biến, trong quý I Đà Nẵng thu được 32 dự án FDI, với số vốn đăng ký là 355,806 triệu USD. Những kết quả khởi sắc có được này, được cho là bắt nguồn từ việc Đà Nẵng đang thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” và “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019” (Hải Châu, 2019). Thực tế thu hút FDI trên địa bàn Đà Nẵng theo các ngành/lĩnh vực kinh tế cho thấy, lũy kế đến ngày 31/12/2017, “Công nghiệp chế biến, chế tạo” là ngành thu hút được nhiều dự án nhất với 134 dự án, tổng vốn đăng ký là 1.497,04 triệu USD. Tiếp đến là ngành “Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ” thu hút được 104 dự án, với 41,93 triệu USD vốn đăng ký; ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống”, thu hút được 77 dự án, với 278,64 triệu USD vốn đăng ký; ngành “Hoạt động kinh doanh bất động sản” thu hút được 32 dự án với 687,50 triệu USD vốn đăng ký... (Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 2018b). Theo đối tác đầu tư, lũy kế đến 31/12/2017, Singapore là quốc gia có tổng số vốn đăng ký đầu tư nhiều nhất, với 834,38 triệu USD (tương ứng 25 dự án). Tiếp đến là các quốc gia như Nhật Bản, với 642,42 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, tương ứng 148 dự án; Hoa Kỳ, với 522,82 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, tương ứng 54 dự án... (Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 2018b). Có thể thấy, Đà Nẵng cũng như các địa phương thu hút được nhiều FDI khác trong cả nước, luôn có sự hiện diện của các quốc gia đến từ khu vực Đông Á trong nhóm các đối tác đầu tư FDI hàng đầu. Điều này có thể được lý giải từ sự tương đồng văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực! 3. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA FDI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG Trong quá trình phát triển KT - XH, Đà Nẵng đã đạt được những thành công nhất định như có mức tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện... Trong giai đoạn 2013 - 2017, GRDP của Đà Nẵng liên tục tăng theo từng năm và tốc độ tăng GRDP dao động trong khoảng từ 7,03 - 8,75%, trong đó, năm 2016 là cao nhất, với 8,75% (Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 2018b). Năm 2018, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng là 7,86%, xếp thứ 2 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải phòng - 16,27%); so sánh với các tỉnh trong khu vực (từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa), tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3, sau Quảng Ngãi (8,34%) và Quảng Nam (8,11%) (Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 2018a). 238
  4. Sự gia tăng GRDP của Đà Nẵng có đóng góp quan trọng của khu vực FDI. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2013 - 2017, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GRDP thành phố ổn định ở mức trên dưới 12% và xu hướng chung là mức độ đóng góp của khu vực này trong GRDP ngày càng tăng. Năm 2017, mức đóng góp của khu vực FDI trong GRDP thành phố là cao nhất, đạt 12,34% (Hình 1). Hình 1: Đóng góp của khu vực FDI trong GRDP thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2017 tính theo giá so sánh 2010 100% 90% 80% 70% 60% 50% GRDP Đà Nẵng 40% GRDP khu vực FDI 30% 20% 10% 0% 2013 2014 2015 2016 2017 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b) và tính toán của tác giả Trong lĩnh vực FDI, mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng kinh tế được thể hiện một cách trực tiếp. Từ số liệu thống kê giai đoạn 2013 - 2017, có thể xác định được mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng GRDP thành phố Đà Nẵng nói chung và khu vực FDI nói riêng. Nếu chia giai đoạn 2013 - 2017 thành các giai đoạn nhỏ là 2013 - 2015, 2016 - 2017 và thực hiện tính toán từ số liệu thống kê, ta thu được kết quả: (i) Trong giai đoạn 2013 - 2017, Icor của khu vực FDI thấp hơn mức Icor chung của thành phố, điều này phản ánh, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực FDI là cao hơn mức chung của thành phố; (ii) xét riêng trong khu vực FDI, Icor giai đoạn 2016 - 2017 là 2,34 điểm, cao hơn mức 1,91 điểm của giai đoạn 2013 - 2015, chứng tỏ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực FDI có xu hướng giảm trong giai đoạn 2013 - 2017. Như vậy, xu hướng giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực FDI đi ngược với xu hướng chung của thành phố - xu hướng gia tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Icor giảm từ 6,37 điểm trong giai đoạn 2013 - 2015, xuống 6,03 điểm trong giai đoạn 2016 - 2017) (Xem Bảng 2). Hiện tượng này có thể được lý giải, là có nguyên nhân từ sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI, nhiều dự án FDI mới được thu hút vào thành phố vẫn đang ở giai đoạn triển khai, chưa đi vào hoạt động! 239
  5. Bảng 2. Icor khu vực FDI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2017 tính theo giá so sánh 2010 2013 - 2015 2016 - 2017 TỔNG SỐ Vốn đầu tư thực hiện (tỷ đồng) 72.061,44 52.851,16 GRDP (tỷ đồng) 136.715 111.179 Vốn so với GRDP (%) 52,71 47,54 Tốc độ tăng GRDP (%) 8,28 7,89 IcorĐaNang 6,37 6,03 KHU VỰC FDI Vốn đầu tư thực hiện (tỷ đồng) 5.795,95 3.765,36 GRDP (tỷ đồng) 15.703 13.564 Vốn so với GRDP (%) 36,91 27,76 Tốc độ tăng GRDP (%) 19,28 11,87 IcorFDI DaNang 1,91 2,34 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b) và tính toán của tác giả Trong 2 năm gần đây, đóng góp vào ngân sách thành phố của khu vực FDI có sự gia tăng cả về quy mô và tỷ trọng đóng góp. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp 4.177,02 triệu đồng cho ngân sách thành phố, tương đương 11,68%; năm 2018 kết quả đóng góp cho ngân sách thành phố có sự gia tăng tương ứng lần lượt là 4.900 triệu đồng và 12,81% (Hình 2). Hình 2: Đóng góp của khu vực FDI cho ngân sách thành phố Đơn vị tính: triệu đồng 45000 40000 38236.5 35776.3 35000 30000 25000 20000 15000 10000 4177 4900 5000 0 2017 2018 Khu vực FDI Đà Nẵng Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018a). Hiệu quả KT - XH của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng có thể được xem xét thông qua tỷ lệ giữa “nộp ngân sách nhà nước” so với “vốn đầu tư thực hiện”, qua đó thấy được, 240
  6. một đơn vị “vốn đầu tư thực hiện” sẽ tạo ra bao nhiêu đơn vị “nộp ngân sách nhà nước”; tỷ lệ này phản ánh hiệu quả nộp ngân sách. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2017 - 2018, hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước của khu vực FDI cao hơn so với mức chung của thành phố. Đặc biệt, hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước của khu vực FDI có xu hướng tăng, từ 0,72 điểm năm 2017 lên 1,30 điểm năm 2018 (Bảng 3). Nguyên nhân của hiện tượng này có thể được lý giải, đến từ các biện pháp chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI của các cơ quan quản lý nhà nước! Bảng 3. Hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước của khu vực FDI 2017 2018 TỔNG SỐ Tổng thu ngân sách (triệu đồng) 35.776,27 38.236,5 Vốn đầu tư thực hiện (tỷ đồng) 72.061,44 52.851,16 Nộp ngân sách/vốn đầu tư thực hiện 0,50 0,72 KHU VỰC FDI Đóng góp ngân sách (triệu đồng) 4.177,02 4.900 Vốn đầu tư thực hiện (tỷ đồng) 5.795,95 3.765,36 Nộp ngân sách/vốn đầu tư thực hiện 0,72 1,30 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018a) và tính toán của tác giả Trong giai đoạn 2013 - 2017, số lượng lao động làm việc trực tiếp trong khu khu vực FDI liên tục tăng, cả về số lượng và tỷ trọng trong tổng số lao động làm việc trên địa bàn Đà Nẵng. Năm 2013, số lao động làm việc trực tiếp khu vực FDI là 29.533 người, tương ứng 5,74% tổng số lao động làm việc trên địa bàn thành phố; đến năm 2015 và 2017, số lao động làm việc trực tiếp khu vực này lần lượt là 33.660 người (bằng 6,43%) và 36.199 người (bằng 6,63%). Bảng 4. Hiệu quả tạo việc làm của khu vực FDI Số lao động Vốn đầu tư thực hiện/ Vốn đầu tư thực hiện làm việc trực tiếp ố lao động làm việc (triệu đổng) Năm (người) trực tiếp Khu vực Khu vực Khu vực Tổng số Tổng số Tổng số FDI FDI FDI 2013 29.842.372 2.468.769 514.683 29.533 57,98 83,59 2014 30.888.297 2.598.724 522.483 31.785 59,12 81,76 2015 32.490.693 2.433.964 523.280 33.660 62,09 72,31 2016 35.287.657 2.313.938 532.850 34.725 66,22 66,64 2017 36.042.929 2.772.661 546.258 36.199 65,98 74,96 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b) và tính toán của tác giả 241
  7. Hiệu quả KT - XH của khu vực FDI cũng có thể được xem xét thông qua tỷ lệ “vốn đầu tư thực hiện” so với “số việc làm được tạo ra”, qua đó biết được để tạo ra một việc làm cần bao nhiêu đơn vị “vốn đầu tư thực hiện”; tỷ lệ này phản ánh hiệu quả tạo việc làm. Trong giai đoạn 2013 - 2017, tỷ lệ “vốn đầu tư thực hiện”/“số lao động làm việc trực tiếp” của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng luôn cao hơn so với mức chung của thành phố - theo từng năm; điều này đồng nghĩa, để tạo ra một việc làm cho người lao động, khu vực FDI cần đầu tư một lượng “vốn đầu tư thực hiện” lớn hơn, tức là hiệu quả tạo việc làm thấp hơn. Có một hiện tượng khá thú vị là trong khi hiệu quả tạo việc làm của Đà Nẵng nói chung có xu hướng giảm, thì ở khu vực FDI, hiệu quả tạo việc làm lại có xu hướng tăng (Bảng 4). Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực của khu vực FDI trong khía cạnh tạo việc làm. Hiệu quả KT - XH của khu vực FDI còn được xem xét thông qua tỷ lệ “tổng thu nhập của lao động” so với “vốn đầu tư thực hiện”. Tỷ lệ này cho biết một đơn vị “vốn đầu tư thực hiện” sẽ tạo ra bao nhiêu đơn vị “tổng thu nhập của người lao động”, tức là, cho biết hiệu quả thu nhập. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2013 - 2017, tỷ lệ “tổng thu nhập của lao động” so với “vốn đầu tư thực hiện” của khu vực FDI luôn cao hơn mức chung của thành phố trong từng năm, điều đó chứng tỏ, hiệu quả tạo thu nhập của khu vực FDI là tốt hơn. Đồng thời, kết quả tính toán từ số liệu thống kê cũng chỉ ra, hiệu quả tạo thu nhập từ vốn đầu tư thực hiện của thành phố nói chung và của khu vực FDI nói riêng cùng có xu hướng gia tăng theo từng năm, dù mức độ gia tăng là khác nhau (Bảng 5). Điều này phản ánh phần nào mức độ nâng lên của đời sống người lao động. Bảng 5. Hiệu quả thu nhập của khu vực FDI Tổng thu nhập Tổng thu nhập của Vốn đầu tư thực hiện của lao động lao động/ (tỷ đồng) Năm (tỷ đồng) vốn đầu tư thực hiện Khu vực Khu vực Khu vực Tổng số Tổng số Tổng số FDI FDI FDI 2013 29.842,37 2.468,77 12.316 1.668 0,413 0,676 2014 30.888,30 2.598,72 15.272 2.863 0,494 1,102 2015 32.490,69 2.433,96 17.880 2.805 0,550 1,152 2016 35.287,66 2.313,94 20.321 3.158 0,576 1,365 2017 36.042,93 2.772,66 24.138 3.849 0,670 1,388 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b) và tính toán của tác giả Ngoài ra, khu vực FDI cũng góp phần xử lý ô nhiễm và giữ gìn môi trường trên địa bàn Đà Nẵng khi có gần 23% số dự án FDI sử dụng công nghệ sạch và thân thiện 242
  8. mội trường (Nguyễn Thị Thoa và Trần Thị Thái, 2016). Bên cạnh những đóng góp tích cực và hiệu quả của khu vực FDI trên địa bàn Đà Nẵng, vẫn còn tồn tại những vấn đề cần tiếp tục khắc phục, giải quyết như: các doanh nghiệp FDI ít sử dụng công nghệ hiện đại còn chiếm tỷ lệ cao (dẫn đến không phát huy được tác dụng lan tỏa công nghệ), một số doanh nghiệp FDI còn chưa quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, cá biệt có doanh nghiệp FDI còn vi phạm quy định của Việt Nam về tuyển dụng lao động nước ngoài... Những hạn chế, bất cập này xuất phát từ những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan như: Các địa phương ở miền Trung có sự cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, từ đó cạnh tranh trực tiếp với Đà Nẵng trong thu hút và sử dụng FDI; quy mô thị trường khu vực miền Trung còn nhỏ bé, thiếu sức hút với những nhà đầu tư lớn; công tác thu hút và chọn lọc nhà đầu tư FDI còn thiếu định hướng chiến lược; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực FDI chưa đủ mạnh; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ phát triển kinh tế và trình độ khoa học công nghệ chưa đủ sức tiếp nhận ảnh hưởng tràn, lan tỏa công nghệ từ dòng vốn FDI... 4. KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Đến nay, có thể thấy, khu vực FDI đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển KT - XH của thành phố Đà Nẵng. Xem xét mức độ hiệu quả, thực chất những đóng góp này trong giai đoạn từ 2013 trở lại đây cho chúng ta thấy: Khu vực FDI đã có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả đóng góp ngân sách và hiệu quả tạo thu nhập cho người lao động tốt hơn so với mức chung của Đà Nẵng; hiệu quả đóng góp ngân sách và hiệu quả tạo việc làm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực này có xu hướng giảm; hiệu quả tạo việc làm thấp hơn mức chung của thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã thu hút được những dự án FDI sử dụng công nghệ sạch và thân thiện mội trường. Để đảm bảo FDI thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng bền vững thì vấn đề thu hút và sử dụng FDI, cũng như nâng cao hiệu quả KT - XH của khu vực FDI cần thực hiện tốt các định hướng: - Tiếp tục thu hút và sử dụng FDI theo hướng phù hợp với chiến lược phát triển KT - XH của Đà Nẵng, phát huy được lợi thế của thành phố (đầu mối giao thương quan trọng trong nước và quốc tế). Khuyến khích các dự án FDI carbon thấp (nhằm phòng ngừa nguy cơ biến Đà Nẵng trở thành bãi rác công nghiệp), đồng thời, kiên quyết từ chối những dự án FDI có nguy cơ gây tổn hại môi trường. - Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thuế theo hướng sử dụng FDI để giải quyết những thiếu hụt mà doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng. Trong đó, có tính tới liên kết giữa các địa phương trong vùng để tránh những tổn thất do cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút và sử dụng FDI. 243
  9. - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực FDI, đổi mới cơ chế quản lý FDI theo nguyên tắc hậu kiểm có điều kiện và có thời hạn. Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá; thực hiện sự cam kết có bảo đảm về chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, từng dự án FDI. - Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực (bao gồm cả nhân lực quản lý nhà nước đối với khu vực FDI), phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo những tiền đề cần thiết để hấp thụ được các tác động tràn tích cực, cũng như hạn chế tác động tiêu cực của dòng vốn FDI; Phát triển công nghiệp hỗ trỡ và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hải Châu, (2019), Quý I/2019, Đà Nẵng thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất từ trước đến nay, https://infonet.vn/quy-12019-da-nang-thu-hut-von-dau-tu-fdi-cao-nhat-tu- truoc-den-nay-post296133.info 2. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018a), Báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2018, https://cucthongke.danang.gov.vn/chi-tiet- tin-tuc?dinhdanh=108201&cat=2 3. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2018b), Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng 2017, Nhà xuất bản Thống kê. 4. Nguyễn Tiến Dũng (2015), “FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững”, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, Số 19, tr. 31 - 37. 5. Lâm Thùy Dương (2011), “Nâng cao hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, Tạp chí Khu công ghiệp Việt Nam, Số tháng 11, tr. 35 - 38. 6. Dương Thị Bình Minh, Phùng Thị Cẩm Tú (2009), “Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội về sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Phát triển kinh tế, Số tháng 8, tr. 34 - 42. 7. Đinh Thúy Phương (2007), “Các chỉ tiêu thống kê chủ yếu phản ánh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam”, Tạp chí Thông tin Khoa học thống kê, Số 3, tr. 17 - 20. 8. Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Thái (2016), “Tác động của FDI đến kinh tế, xã hội và môi trường thanh phố Đà Nẵng”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 2(40), tr. 3 - 11. 9. Phạm Thị Thúy (2018), Nghiên cứu hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. 10. Hà Thanh Việt (2005), “Quan điểm và một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Tạp chí Thanh tra Tài chính, Số 34, tr. 19 - 22, 30. 244
nguon tai.lieu . vn