Xem mẫu

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO ĐẢM SỰ ĐỘC LẬP CỦA THẨM PHÁN TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Đặng Trần Thanh Ngọc TÓM TẮT: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”5 là giá trị mang tính phổ quát được tất cả các quốc gia trên thế giới công nhận, là một trong những điều kiện không thể thiếu để đạt được phán quyết công bằng, đúng người, đúng tội. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận về bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán (là chủ thể xét xử chuyên nghiệp) trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Đó là khái niệm, đặc trưng về sự độc lập của Thẩm phán, khái niệm về sự bảo đảm, cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Từ khóa:Thẩm phán; sự độc lập của Thẩm phán; bảo đảm; cơ chế bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự. ABSTRACT: “Judges and jurors are independent and only obey the law”5 is a universal value recognized by all countries in the world and is one of the indispensable conditions for achieving a fair judgment, right person, right crime. Within the scope of the article, the author focuses on researching theoretical issues of ensuring the independence of judges (who are professional adjudicators) in the adjudication of criminal cases. That is the concept, features of the independence of the judges, the concept of guarantee, the mechanism to ensure the independence of the judges in the adjudication of criminal cases. Keywords: Judge; the independence of the Judge; guarantee; mechanism to ensure the independence of judges in the adjudication of criminal cases. 1. Đặt vấn đề Biểu hiện cao nhất về sự độc lập của Tòa án thể hiện tập trung ở sự độc lập của Hội đồng xét xử - là những chủ thể trực tiếp tiến hành xét xử. Sự độc lập của Thẩm phán phán (là chủ thể xét xử chuyên nghiệp) là một trong những điều kiện không thể thiếu để Tòa án đưa ra những phán quyết công bằng, nghiêm minh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự độc lập  TS., Khoa Quản lý Thể dục Thể thao, Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng; Email: dangngoc03061969@gmail.com 304
  2. của Thẩm phán trong hoạt động xét xử nói chung, xét xử các vụ án hình sự (VAHS) nói riêng chưa triệt để xuất phát từ những yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Do đó, nghiên cứu các vấn đề lý luận về bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong quá trình xét xử VAHS có ý nghĩa quan trọng trong việc gợi mở các biện pháp bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự. 2. Khái niệm, đặc trưng về sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự “Độc lập” là tự mình tồn tại, hoạt động không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác”14 Như vậy, “sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” là việc Thẩm phán tự mình đưa ra quan điểm về vụ án trên cơ sở pháp luật, sự đánh giá chứng cứ và các tình tiết khách quan của vụ án mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử nói chung, xét xử VAHS nói riêng là yêu cầu mang tính bắt buộc. “Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào, phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác,độc lập với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài Tòa án. Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác”4. *“Sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” có các đặc trưng sau: Thứ nhất, việc “Thẩm phán xét xử độc lập” là quyền đồng thời là nghĩa vụ của Thẩm phán nhưng chủ yếu đòi hỏi yếu tố trách nhiệm, nghĩa vụ. Thẩm phán có trách nhiệm độc lập, vô tư, khách quan, bảo vệ công lý trong xét xử”6. Trên phương diện là quyền của Thẩm phán, có nghĩa là Thẩm phán có quyền “xét xử độc lập”. Luật tổ chức TAND năm 2014 “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi 305
  3. can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”7 thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền xét xử độc lập của Thẩm phán, vốn là chuẩn mực pháp lý quốc tế phổ quát, nhưng quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán không thuần túy chỉ là “quyền” mà đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của Thẩm phán như đã đề cập phần trên. Áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người (Human Rights - based Approach – HRBA) gắn với tư duy bảo đảm quyền đối với quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán cho thấy, Nhà nước thông qua các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, thực hiện, tạo điều kiện để Thẩm phán thực hiện quyền “xét xử độc lập” của mình, đó là: Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng (obligation to respect) đòi hỏi các Nhà nước không được tùy tiện tước bỏ, hạn chế hay can thiệp vào quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán. Chẳng hạn, Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “bảo đảm độc lập giữa các Tòa án”8. Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ (obligation to protect), đòi hỏi các Nhà nước phải ngăn chặn sự vi phạm quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán của các bên thứ ba. Đó là Nhà nước phải chủ động đưa ra những biện pháp, xây dựng các cơ chế phòng ngừa, xử lý những hành vi vi phạm quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán. Chẳng hạn, Điều 9 Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định các loại chế tài xử lý các cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Nhà nước có nghĩa vụ thực hiện (Obligation to fulfil), đòi hỏi các Nhà nước phải có những biện pháp nhằm hỗ trợ tạo điều kiện để Thẩm phán thực hiện quyền “xét xử độc lập”. Chẳng hạn, quy định nhiệm kỳ suốt đời đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán các Toà án cấp dưới (được bổ nhiệm lần đầu ít nhất là 15 năm) để Thẩm phán yên tâm công tác. Ngoài ra, để bảo đảm quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán còn phải gắn nghĩa vụ tổ chức (obligation of conduct) và nghĩa vụ đạt được kết quả (obligation of result) của Nhà nước. Theo đó, nghĩa vụ tổ chức đòi hỏi các Nhà nước phải có những biên pháp bảo đảm thực thi quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán. Chẳng hạn, thiết kế một hệ thống Tòa án độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm quyền “xét xử độc lập” của 306
  4. Thẩm phán. Nghĩa vụ đạt được kết quả yêu cầu các biện pháp bảo đảm thực thi quyền “xét xử độc lập” của Thẩm phán phải mang tính khả thi và hiệu quả chứ không phải được xây dựng một cách hình thức1. Trên phương diện là nghĩa vụ, trách nhiệm thì việc “Thẩm phán xét xử độc lập” có nghĩa là Thẩm phán phải “xét xử độc lập”. Đây là một hình thức thực hiện pháp luật dưới dạng thi hành pháp luật, trong đó “các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành vi tích cực”11. Tiếp cận quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ “xét xử độc lập” của Thẩm phán dưới khía cạnh xã hội học pháp luật, đặc biệt là xã hội học của hoạt động thực hiện pháp luật cho thấy, việc Thẩm phán thực hiện quy định “xét xử độc lập” như thế nào phụ thuộc vào mức độ phù hợp và tương thích đến đâu của quy định đó đối với các lợi ích của Thẩm phán, trong khi trách nhiệm phải“xét xử độc lập” của Thẩm phán vốn trừu tượng, khó kiểm tra, giám sát mà chủ yếu dựa vào sự tự giác của Thẩm phán. Đặc biệt, các Thẩm phán tham gia xét xử các VAHS đảm nhận trọng trách hết sức nặng nề bởi lẽ các phán quyết thông qua hình phạt vốn là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Từ các phân trích trên cho thấy, hơn bao giờ hết trách nhiệm của Nhà nước xây dựng các biện pháp bảo đảm về lợi ích, chế độ đãi ngộ phù hợp để Thẩm phán yên tâm công tác, thực hiện “xét xử độc lập” là hết sức cấp thiết, là một trong những điều kiện không thể thiếu để đạt được những phán quyết công bằng đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, trên thực tế các lợi ích, chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán tại Việt Nam khá thấp so với chuẩn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Thứ hai, sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử nói chung, xét xử VAHS nói riêng mang tính tương đối và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố chủ quan gắn liền với Thẩm phán, đặc biệt là yêu cầu về nhận thức, năng lực chuyên môn của Thẩm phán. Hoạt động xét xử VAHS là hoạt động áp dụng pháp luật (ADPL) do các Thẩm phán thực hiên đều hướng tới phán quyết công bằng, đúng người, đúng tội. Dưới khía cạnh xã hội học, hoạt động ADPL nói chung, xét xử các VAHS nói riêng không thể tách rời các yếu tố chủ quan gắn liền với cá nhân Thẩm phán. Chẳng hạn, yếu tố tâm lý như tình cảm, thái độ yêu - ghét, niềm tin, tâm trạng bực bội, giận dữ… khi xét xử không thể không ảnh hưởng đến phán quyết của Thẩm phán. 307
  5. Mặt khác, sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS chịu ảnh hưởng rất lớn bởi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ nhận thức và kinh nghiệm nghề nghiệp. Một Thẩm phán có nhận thức sâu sắc, giỏi chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn sẽ tự tin xem xét, đánh giá chứng cứ, các tình tiết của vụ án, tự lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng và đưa ra phán quyết công bằng, “ thấu tình, đạt lý”. Ngược lại, Thẩm phán yếu về chuyên môn, kinh nghiệm non nớt thường viện cớ “tham khảo” ý kiến của lãnh đạo hoặc Thẩm phán tòa án cấp trên về vụ án để trốn tránh trách nhiệm chứ không đủ tự tin để tự quyết. Những trường hợp này gọi là cơ chế “thỉnh thị án”, “báo cáo án” mặc dù hiện nay đã bị ngành Tòa án nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn còn tồn tại 3. Thứ ba, sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS không thể tách rời các yêu cầu về phẩm chất vô tư, khách quan liêm chính, công bằng, tinh thần dũng cảm và năng lực để đạt được mục tiêu công bằng của tố tụng hình sự (TTHS), phòng ngừa oan sai. Trong quá trình xét xử các VAHS, “độc lập xét xử” của Thẩm phán là một trong những điều kiện để đạt được mục tiêu của công bằng của TTHS. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu công bằng, phán quyết đúng người, đúng tội thì ngoài sự độc lập của Thẩm phán cần phải kết hợp các phẩm chất về sự vô tư, khách quan, liêm chính, năng lực và tinh thần dũng cảm. Chẳng hạn, Thẩm phán vô tư, khách quan, giỏi về chuyên môn và dũng cảm sẽ độc lâp tự quyết về vụ án trên cơ sở đánh giá chứng cứ, xem xét các tình tiết của vụ án, chỉ tuân theo pháp luật mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Trường hợp Thẩm phán chịu sự can thiệp của các yếu tố bất hợp pháp khi đưa ra phán quyết cũng là biểu hiện của sự thiếu độc lập, thiếu vô tư, khách quan và không liêm chính. Mặt khác, cần phân biệt việc “độc lập xét xử” của Thẩm phán với việc xét xử tùy tiện và yêu cầu về sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS phải gắn liền với chế độ trách nhiệm của Thẩm phán nếu vi phạm. Ở đây yêu cầu “Thẩm phán độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”, “cấp trên của quan tòa là luật pháp” như Mác đã nhận định. Do đó, nếu Thẩm phán xét xử không theo pháp luật, áp dụng pháp luật tùy tiện, thậm chí nếu có biểu hiện thiếu khách quan, vô tư trong việc đưa ra phán quyết thì không thể độc lập và đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý thậm chí là trách nhiệm hình sự. Đặc biệt,“độc lập xét xử” của Thẩm phán phải gắn liền với trách nhiệm giải trình về lý do đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm phải phù hợp để vừa ràng buộc được trách nhiệm của 308
  6. Thẩm phán khi vi phạm đồng thời phát huy cao nhất sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử VAHS. Nếu quy định trách nhiệm bồi hoàn đối với Thẩm phán trong những trường hợp sơ xuất khi thực hiện nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử bởi lẽ Thẩm phán sẽ có tâm lý e ngại, “ không dám quyết” để tránh rủi ro và điều này cũng trái với chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền miễn trừ đối với Thẩm phán mà Nhà nước Việt Nam đã công nhận. 3. Khái niệm về bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự * Khái niệm về “bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự” “Bảo đảm” là làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có những điều kiện cần thiết”12 . Theo từ điển Luật học, “bảo đảm là trách nhiệm của một chủ thể (tổ chức, cá nhân) phải làm cho quyền, lợi ích của chủ thể bên kia chắc chắn được thực hiện, được giữ gìn, nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường”9. Bảo đảm được thực hiện bằng những biện pháp gọi là biện pháp bảo đảm. Trên phương diện khách quan, các khái niệm “bảo đảm” đều có điểm chung, đó là trách nhiệm một chủ thể (tổ chức, cá nhân) trong việc tạo điều kiện cần thiết để chủ thể được bảo đảm đạt được quyền, lợi ích mong muốn hoặc thực hiện được việc nào đó. Trách nhiệm “bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” thuộc về Nhà nước, thông qua các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Nhà nước tạo “điều kiện cần thiết” ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ hàm ý tạo “điều kiện thuận lợi về vật chất, phi vật chất” mà còn hàm ý về việc thiết lập “sự bảo vệ cần thiết” để chủ thể được bảo đảm (là các Thẩm phán) “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Theo phân tích trên, “sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS là việc Thẩm phán tự đưa ra quan điểm về vụ án trên cơ sở pháp luật, sự đánh giá chứng cứ và các tình tiết khách quan của vụ án mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất cứ cá nhân, tổ chức nào” . Như vậy, “bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” là việc Nhà nước thông qua các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo các điều kiện thuận lợi về vật 309
  7. chất, phi vật chất và thiết lập sự bảo vệ cần thiết để Thẩm phán tự đưa ra quan điểm về vụ án trên cơ sở pháp luật, sự đánh giá chứng cứ và các tình tiết của vụ án mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”. Trên phương diện chủ quan, như đã phân tích phần trên, sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS gắn liền với cá nhân Thẩm phán, mang tính tương đối và chịu sự tác qua lại với các yếu tố chủ quan khác như tâm lý (niềm tin, tâm trạng, xúc cảm…), phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, trình độ nhận thức và kinh nghiệm nghề nghiệp. Vì vậy, việc các Thẩm phán tự trau dồi các phẩm chất đạo đức cốt lõi như sự liêm chính, vô tư, khách quan, công bằng…đặc biệt là việc tích cực nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc phát huy tối đa sự độc lập của mình trong hoạt động xét xử VAHS mà còn tạo nên hiệu ứng tích cực lan tỏa để đạt được phán quyết công bằng, đúng người, đúng tội. Ngược lại, nếu cá nhân Thẩm phán bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực nhất thời như tâm trạng bực bội, giận dữ, thái độ yêu - ghét, định kiến cá nhân đối với nhóm người này hay nhóm người khác ...khi xét xử thì phán quyết khó mà khách quan, vô tư được. *“Khái niệm về “cơ chế bảo đảm sự của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự” “Cơ chế” là “mécanisme” trong tiếng Pháp là “cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau”10. Theo từ điển Tiếng Việt thì “cơ chế” là cách thức theo đó một quá trình được thực hiện”13 . Trong lĩnh vực quyền con người (QCN), cụm từ “cơ chế của liên hợp quốc về QCN” (the united Nations Rights Mechanism) được dùng trong tài liệu chuyên môn để chỉ bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống các quy tắc, thủ tục do Liên hợp quốc thiết lập để thúc đẩy và bảo vệ QCN”2 “Cơ chế” còn được hiểu là “tổng thể các bảo đảm vật chất, chính trị, tư tưởng, pháp lý, tổ chức nghiệp vụ cho việc thực hiện một quyền nào đó hoặc một việc nào đó”15. Các khái niệm về “cơ chế” có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng có điểm chung, đó là gồm các yếu tố cấu thành của hệ thống và nguyên tắc vận hành của hệ thống đó. 310
  8. Khái niệm “cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” là khái niệm rộng, thể hiện trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Đó là một chỉnh thể gồm các bảo đảm về chính trị, pháp lý (thể chế), kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục nhằm tạo những điều kiện cần thiết để Thẩm phán xét xử độc lập và các thiết chế tổ chức bộ máy gồm: Tổ chức và hoạt động của Tòa án trong mối quan hệ giữa Tòa án (cơ quan thực hiện quyền tư pháp) với Quốc hội (cơ quan thực hiện quyền lập pháp) và Chính phủ (cơ quan thực hiện quyền hành pháp) để bảo đảm Tòa án độc lập, là điều kiện không thể thiếu để Thẩm phán xét xử độc lập và quy trình tổ chức, vận hành của bộ máy tố tụng trong quá trình xét xử VAHS với sự phân định rạch ròi giữa các chức năng chính của tố tụng hình sự, trong đó chức năng xét xử chỉ thuộc về Tòa án, là điều kiện để Thẩm phán xét xử độc lập. Các yếu tố này tác động qua lại theo hệ thống để bảo đảm Thẩm phán “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như phần trên đã đề cập, “bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” là việc Nhà nước thông qua các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo các điều kiện thuận lợi về vật chất, phi vật chất và thiết lập sự bảo vệ cần thiết để Thẩm phán tự mình đưa ra quan điểm về vụ án trên cơ sở pháp luật, sự đánh giá chứng cứ và các tình tiết của vụ án mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Như vậy, theo nghĩa rộng, “cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS” là tổng thể các bảo đảm lợi ích vật chất, phi vật chất và sự bảo vệ cần thiết do Nhà nước thiết lập trên phương diện chính trị, pháp lý (thể chế), chính sách kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục và thiết chế tổ chức bộ máy (tổ chức và hoạt động của Tòa án, quy trình tổ chức, vận hành bộ máy tố tụng trong quá trình xét xử VAHS) để Thẩm phán tự mình đưa ra quan điểm về vụ án trên cơ sở pháp luật, sự đánh giá chứng cứ và các tình tiết của vụ án mà không chịu sự tác động, can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. 4. Kêt luận Các vấn đề lý luận về bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS gồm khái niệm, đặc trưng về sự độc lập của Thẩm phán, sự bảo đảm, cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS. Đây là những vấn đề cốt lõi không thể thiếu trong việc nghiên cứu về mặt lý luận, là cơ sở, nền tảng trong việc nghiên 311
  9. cứu thực tiễn và xây dựng các biện pháp bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các VAHS, góp phần đạt được mục tiêu công bằng của tố tụng hình sự, ngăn ngừa tình trạng oan sai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đăng Dung, Quyền con người và việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí nghiên cứu Lập pháp số 11 (291) tháng 6/2015. 2. Nguyễn Đăng Dung – Vũ Công Giao – Lã Khánh Tùng (chủ biên), Gíao trình lý luận về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Nguyễn Hồng Hà, Trên bàn xử án từ “thỉnh thị án” và “duyệt án”, Báo Người đưa tin, ngày 27/12/2012. 4. Hội đồng tuyển chọn giám sát Thẩm phán Quốc gia (2018), Khoản 2, Điều 2 và Điều 3 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. 5. Quốc hội (2014), Khoản 1 Điều 9 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. 6. Quốc hội (2014), Khoản 3 Điều 76 Luật tổ chức TAND năm 2014. 7. Quốc hội (2014), Điều 9 Luật tổ chức TAND năm 2014. 8. Quốc hội (2014), Khoản 5 Điều 20 Luật tổ chức TAND năm 2014. 9. Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.27. 10. Từ điển Le Petit Lasousse Illustré, Edition 1999. 11. Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Lý luận chung Nhà nước và Pháp luật, Nxb Công an nhân dân, tr.183. 12. Viện ngôn ngữ (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, tr.38. 13. Viện ngôn ngữ (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, tr.214. 14. Viện ngôn ngữ (2002), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002, tr.336. 15. Võ Khánh Vinh, (2003), “Khái niệm các loại, các lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta hiện nay, Viện Nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, tr .25. 312
nguon tai.lieu . vn