Xem mẫu

  1. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP RÈN TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO SINH VIÊN PHAN THỊ HỒNG THE Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Email: pththe@daihocthudo.edu.vn Tóm tắt: Năng lực tư duy phản biện có vai trò quan trọng đối với một công dân trong môi trường toàn cầu hóa. Bài viết nhằm làm rõ vai trò, sự cần thiết và một số phương pháp pháp rèn tư duy phản biện cho sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thực tiễn hiện nay. Có 6 nhóm phương pháp được đề xuất để rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên. Từ khóa: Tư duy phản biện, đại học, sinh viên, năng lực, kỹ năng. 1. MỞ ĐẦU Mục tiêu chủ yếu của dạy và học ngày nay là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và xem việc đổi mới phương pháp dạy học như là khâu đột phá cho quá trình này. Theo đó, bên cạnh việc trang bị cho SV hệ thống kiến thức khoa học, kỹ năng thực hành và các phẩm chất cần thiết khác thì việc rèn luyện khả năng tư duy, trong đó có tư duy phản biện, là đặt biệt quan trọng. 2. NỘI DUNG 2.1. Định nghĩa tư duy phản biện Một tuyên bố của Michael Scriven và Richard Paul (1987) được trình bày tại Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 8 về Cải cách giáo dục và Tư duy phản biện: Tư duy phản biện là một tiến trình tư duy tích cực và thành thạo trong việc khái niệm hóa, phân tích, tổng hợp và đánh giá những tin tức thu nhận được từ sự quan sát hay do kinh nghiệm, suy niệm, lý luận hay giao tiếp (với nguồn tin khác) để hướng dẫn hành động và tạo niềm tin. Khi đưa ra hình mẫu của mình, tư duy phản biện dựa trên các giá trị tri thức phổ quát vượt qua sự phân chia chủ đề: rõ ràng, chính xác, cụ thể, nhất quán , phù hợp, có bằng chứng thuyết phục, lý do chính đáng, nội dung có chiều sâu, quan điểm quảng đại và công bằng. Còn theo định nghĩa của Wikipedia, thì tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỷ mỷ và công tâm. 2.2. Vì sao cần rèn luyện tư duy phản biện cho Sinh viên trong học tập đại học Lý do thứ nhất xuất phát từ lợi ích của tư duy phản biện: Việc rèn luyện tư duy phản phản biện sẽ kích thích khả năng sáng tạo của sinh viên (SV). Bởi vì, nhờ việc rèn luyện tư duy phản biện giúp SV vượt khỏi những quan niệm truyền thống, cố gắng hướng đến cái mới trong khoa học, thoát ra khỏi những rào cản của định kiến trong suy nghĩ, nỗ lực tìm cách tiếp cận mới. Giúp SV nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tránh được hiện tượng nhìn nhận xem xét vấn đề một chiều, phiến diện. Như vậy, sau khi tốt nghiệp đi làm SV có thể suy 323
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ nghĩ để giải quyết mọi vấn đề theo nhiều phương án khác nhau, từ đó có thể lựa chọn được phương án tối ưu nhất cho vấn đề mình cần giải quyết. Tư duy phản biện giúp SV chịu khó lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác trong lúc tranh luận, từ đó có thể có được những ý kiến đúng đắn từ người khác, tránh tư tưởng bảo thủ, luôn cho ý kiến của mình là đúng. Tư duy phản biện giúp SV đưa ra những nhận định, phán đoán tối ưu nhất có thể có. Vì nhờ vào quá trình tư duy logic SV dễ nhìn ra những hạn chế và những sai lầm dễ mắc phải trong quá trình tư duy của chính mình. Tư duy phản biện giúp cho SV suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm được trạng thái tâm lý buồn rầu, thất vọng, chán đời, mất lòng tin khi gặp thất bại trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ… Tư duy phản biện giúp SV suy nghĩ độc lập, tư duy theo hướng mở, nhận thức mọi vấn đề một cách rõ ràng hơn, tập lập luận với những dẫn chứng đáng tin cậy, biết phân tích, phân loại, tổng hợp, so sánh, đánh giá, từ đó suy nghĩ chín chắn hơn, tự ra quyết định và hành động. Tư duy phản biện giúp SV có cái nhìn khách quan về một vấn đề, không chủ quan duy ý chí, không lồng ghép cảm xúc, tình cảm cá nhân. Tư duy phản biện còn giúp sinh viên rèn kỹ năng quan sát, kỹ năng giao tiếp… Tư duy phản biện giúp sinh viên tự tin có thể phân tích số liệu chính xác và đưa ra những kết luận hợp lý. Tư duy phản biện giúp sinh viên có thể dễ dàng nhận biết được những nhận định đúng sau các tuyên bố, đồng thời phân biệt được những lập luận có và không có hiệu lực. Tư duy phản biện giúp sinh viên có thể dễ dàng sử dụng những thông tin liên quan để xây dựng một lập luận lôgíc và thuyết phục, trong đó có xem xét cả 2 mặt của một vấn đề. Tư duy phản biện giúp sinh viên có thể sử dụng tư duy quy nạp hay diễn dịch bất cứ khi nào cần. Tư duy phản biện giúp sinh viên có thể đặt câu hỏi hay - bất cứ loại câu hỏi nào và thứ tự nào. Tư duy phản biện giúp sinh viên có thể sử dụng thông tin một cách hợp lý, lôgíc để rút ra những kết luận chính xác. Tư duy phản biện giúp sinh viên thoải mái và tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình. Lý do thứ hai xuất phát từ yêu cầu của quá trình học tập bậc đại học: Trong môi trường học tập truyền thống, bài giảng của giáo viên thường tập trung chủ yếu vào nội dung và kiến thức của bài học, môn học. Trong hoàn cảnh đó, người giáo viên đóng vai trò trung tâm. Mọi kiến thức truyền đạt từ người thầy được xem là đúng đắn, là “chân lý”, người học gần như không được phản biện để hiểu tường tận và tự mình kiểm chứng vấn đề kiến thức. Những năm gần đây, xu hướng giáo dục đã thay đổi. Nhiều hệ thống giáo dục tiên tiến 324
  3. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 đã thực hành phát huy vai trò trung tâm của người học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tham gia tích cực vào bài, chủ động lĩnh hội kiến thức. Người học/sinh viên đã dần quen với việc lật ngược lại vấn đề, đặt câu hỏi về các hiện tượng và bản chất của khoa học, kinh tế - xã hội cũng như cách ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn học tập, sinh hoạt, nghề nghiệp… Việc thay đổi xu hướng và phương pháp đào tạo như trên đã được ngành giáo dục Việt Nam hưởng ứng tích cực trong những năm gần đây. Ngoài việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nhiều trường đại học đã chính thức đưa vào chương trình đào tạo tất cả các ngành những học phần với tên gọi cụ thể như: Tư duy phản biện, Tư duy phê phán, Tư duy biện luận ứng dụng… Sinh viên sẽ được trang bị cách học, cách ứng xử, cách tư duy, cách lập luận,… hiệu quả, chuyên nghiệp trong môi trường học tập, nghiên cứu ở đại học, sau đại học cũng như chuẩn bị cho thực hành nghề nghiệp sau khi ra trường. Tuy nhiên, tư duy phản biện không phải là mục tiêu duy nhất tách khỏi các mục tiêu quan trọng khác trong giáo dục. Thay vào đó, nó là một mục tiêu có ảnh hưởng sâu sắc, khi thực hiện tốt, sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển các kỹ năng tư duy cấp cao vượt qua các nguyên tắc và bối cảnh. Chính vì vậy, nó được xem như là mục tiêu mà tất cả các nền giáo dục hướng đến. Lý do thứ ba xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các nhà tuyển dụng. Sinh viên cần được trang bị những kỹ năng sau để ra trường có thể làm việc tốt công việc của mình: - Kỹ năng giao tiếp nói và viết. - Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. - Làm việc nhóm và hợp tác. - Làm việc trong những nhóm đa dạng. - Ứng dụng công nghệ. - Lãnh đạo và quản lý dự án. - Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Trong các kỹ năng nêu trên thì tư duy phản biện và giải quyết vấn đề đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, các trường Đại học cần chú trọng rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên. 2.3. Một số phương pháp rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên 2.3.1. Sử dụng các câu hỏi trong phương pháp đặt câu hỏi Socrates trong quá trình dạy học Socrates là một trong các nhà giáo dục vĩ đại nhất, người dạy bằng cách đặt câu hỏi và hướng học sinh của mình đến việc tìm ra câu trả lời. Sau đây là ví dụ trong lĩnh vực sinh học về các loại câu hỏi socrate: Câu hỏi làm rõ nghĩa: Khi học nội dung kiến thức về vi khuẩn, bạn A nói vi khuẩn chỉ có hại, không có lợi. Bạn B có thể đặt câu hỏi làm rõ nghĩa hơn ý của bạn A, ví dụ bạn B có thể đặt câu hỏi cho bạn A: ý của bạn là vi khuẩn không có lợi đối với đối tượng nào ? Tại sao bạn nói vậy? Câu hỏi đánh giá các giả định: Ví dụ 1: Khi làm thí nghiệm chứng minh sự vận chuyển nước và muối khoáng trong cây, bạn A có thắc mắc: mạch gỗ có cấu tạo như thế nào để phù hợp với sự vận chuyển nước và muối khoáng trong cây? Những điều kiện nào ảnh hưởng đến sự vận chuyển nước 325
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ và muối khoáng trong cây? Trong tình huống này, GV đặt câu hỏi đối với các HS còn lại trong lớp: Các bạn đồng ý hay không đồng ý các câu hỏi mà bạn A đặt ra? Có bạn nào bổ sung các câu hỏi khác để cả lớp cùng trao đổi thảo luận? Ví dụ 2: Khi dạy học nội dung kiến thức về rễ cây, GV đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu cây xanh bị vặt hết lá? Trên đây là những ví dụ về những câu hỏi giả định trong dạy học sinh học. Câu hỏi dùng để xác định lý do và chứng cứ: Ví dụ, khi học nội dung kiến thức về quang hợp ở cây xanh, GV hỏi tinh bột có phải là sản phẩm của quá trình quang hợp không? HS A trả lời “đúng”. Tiếp theo GV hỏi: Đâu là bằng chứng hỗ trợ cho câu trả lời của bạn? Ví dụ của vấn đề này là gì? Câu hỏi về quan điểm về cách nhìn nhận: Khi dạy nội dung kiến thức về bảo vệ sự đa dạng của thực vật, GV yêu cầu HS: Hãy nêu các biện pháp bảo vệ sự đa dạng của thực vật? Trong các biện pháp đó, biện pháp nào em cho là tốt nhất? Tại sao? Điểm mạnh và điểm yếu của biện pháp đó là gì? Câu hỏi thăm dò dụng ý và hệ quả: Khi dạy nội dung kiến thức về sự thoát hơi nước qua lá, GV yêu cầu HS tự thiết kế thí nghiệm chứng minh điều này. Để hỗ trợ cho HS tìm ra hướng đi, GV đặt câu hỏi: Bạn đang hướng đến điều gì? Hậu quả của những giả thuyết này là gì? Bạn phải thiết kế thí nghiệm như thế nào để chứng minh được cây thoát hơi nước qua lá? 2.3.2. Sử dụng kỹ thuật 5W1H Để trình bày một ý tưởng, tóm tắt một sự kiện, một bài dạy hoặc bắt đầu nghiên cứu một vấn đề, GV hướng dẫn SV hãy tự đặt và trả lời cho mình những câu hỏi sau: : What? (Cái gì?), Where? (Ở đâu?), When? (Khi nào?), Why? (Tại sao?), How? (Như thế nào?), Who? (Ai?). Ví dụ: Khi đưa SV sư phạm Sinh học đi học tập thực tế thiên nhiên tại vườn quốc gia Cát Bà - Hải phòng, GV hướng dẫn sinh viên hãy tự đặt và trả lời cho mình những câu hỏi sau: - Khi đi thực tập nghiên cứu thiên nhiên thì nghiên cứu cái gì? Chuẩn bị những gì? Cần phải làm những gì để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu? - Địa điểm nghiên cứu ở đâu? Nghỉ ở đâu? Ăn ở đâu? - Khi nào đi thực tập nghiên cứu. Thời gian diễn ra trong bao lâu? - Tại sao lại đi học tập thực tế thiên nhiên tại vườn quốc gia Cát Bà. - Cách viết báo cáo như thế nào? - Ai sẽ là trưởng đoàn, ai giúp đỡ các bạn trong chuyến đi? Ai sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện các đề tài nghiên cứu... Nhìn chung, tùy vào vấn đề hay lĩnh vực nghiên cứu mà 5W1H có thể được vận dụng linh hoạt khác nhau. Trong quá trình triển khai làm rõ vấn đề, người học cần được khuyến khích đưa ra những suy nghĩ độc lập, đặt các loại câu hỏi khác nhau trước một vấn đề hỏi đúng trọng tâm, đúng chỗ, đúng lúc; được khuyến khích đưa ra nhận xét cá nhân, xét đoán hoặc đánh giá vấn đề; chủ động giải thích lý do, lập luận, chứng minh cho quan điểm của mình; nhìn nhận vấn đề đa chiều, và có khả năng đưa ra những dẫn chứng thuyết phục về vấn đề. 326
  5. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 2.3.3. Rèn cách lập luận cho sinh viên thông qua các nhiệm vụ giao cho sinh viên Trong các giờ học, GV cần chú ý thiết kế các nhiệm vụ để SV có điều kiện rèn cách lập luận và tìm kiếm căn cứ phục vụ cho các lập luận đưa ra. Để có được các lập luận chính xác, SV phải hiểu được cơ sở cho các lập luận. Đó là những phép suy luận logic dựa trên cơ sở các khái niệm, quy tắc, những công thức. Vì vậy, GV cần thiết kế các nhiệm vụ học tập để qua việc thực hiện những nhiệm vụ đó, SV có cơ hội tập luyện cách lập luận, được rèn luyện kỹ năng đi tìm bằng chứng, củng cố niềm tin. 2.3.4. Tạo cơ hội cho sinh viên tranh luận thông qua phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ Đối với phương pháp dạy học hợp tác nhóm thì các nhiệm vụ học tập được giải quyết không phải bởi từng cá nhân riêng rẽ mà là sự phối hợp, hợp tác của các thành viên trong một nhóm. Chính trong quá trình học tập chung đó SV được trao đổi, thảo luận, được khẳng định mình trong nhóm, tạo bầu không khí dân chủ trong lớp học, đồng thời, họ được rèn luyện tính độc lập, tự chủ, khả năng diễn đạt, lập luận vấn đề, sự hợp tác tương hỗ lẫn nhau, tạo nên ý thức cộng đồng và tính kỷ luật. Theo đó, không những tư duy phản biện của SV được rèn luyện mà kỹ năng làm việc hợp tác của họ cũng được nâng cao. 2.3.5. Tập cho sinh viên phát hiện và khắc phục các sai lầm trong quá trình học tập Trong các giờ lên lớp, GV nên dành thời gian để SV trình bày ý tưởng hoặc cách giải quyết vấn đề của họ. Trong những cách giải quyết mà SV đưa ra có nhiều cách đúng, nhưng cũng có thể có cách sai. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần tôn trọng ý kiến của SV, đồng thời tạo điều kiện để họ tự kiểm tra lập luận của mình, và GV cũng cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cách lập luận đó bằng cách đặt hỏi “Tại sao?”. Qua ý kiến của SV này, GV cần cho SV khác trao đổi, đánh giá để không những SV đó nhận ra sai lầm mà cả những SV khác cũng biết và tránh sai lầm đó. Như vậy, để phát hiện và khắc phục sai lầm trong quá trình học tập, SV phải xem xét, đánh giá, chỉ rõ được cơ sở của những lập luận đúng, đồng thời biết loại bỏ những lập luận sai hoặc không có căn cứ, qua đó, tư duy phản biện của SV được rèn luyện và phát triển. 2.3.6. Thường xuyên nhắc nhở sinh viên tích cực trau dồi kiến thức cho bản thân Chúng ta đều biết không ai có thể tranh luận được với người khác về một vấn đề nào đó nếu không nắm vững kiến thức về vấn đề đó. Do đó, để rèn luyện tư duy phản biện thì SV không chỉ cần chú tâm vào việc nghiên cứu chuyên môn mà còn cần phải tìm hiểu các kiến thức xã hội… Điều này giúp sinh viên tự tin khi đưa ra các ý kiến phản biện về một vấn đề trong thực tiễn. 3. KẾT LUẬN Những phân tích trên cho thấy tư duy phản biện có vai trò to lớn đối với SV. Để bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư duy phản biện của SV, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện cơ bản như: Sử dụng các câu hỏi trong phương pháp đặt câu hỏi Socrates trong quá trình dạy học, sử dụng kỹ thuật 5W1H, rèn cách lập luận cho SV thông qua các nhiệm vụ giao cho SV, tạo cơ hội cho SV tranh luận thông qua phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ, tập cho SV phát hiện và khắc phục các sai lầm trong quá trình học tập… Các biện pháp nêu trên giúp sinh viên được rèn luyện tư duy lý luận, tư duy phản biện, giúp SV không ngừng phát huy tính tích cực, chủ động trong tiếp thu tri thức khoa học, sớm hình thành những ý tưởng mới, kịp thời phát hiện và giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. 327
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Biên dịch hệ thống giáo dục Vinschool. Learning skill for success. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. [2] Nguyễn Thi Hòa (2017). Bàn về tư duy phản biện trong giáo dục đại học. Tạp chí Khoa học, Đại học Đồng Nai. [3] Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Lê, Châu An. (2004). Khơi dậy tiềm năng sáng tạo. NXB Giáo dục. [4] Bùi Loan Thùy. (2012), Dạy và rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên. Tạp chí Phát triển và Hội nhập. UEF. Title: SOME METHODS OF FORGING CRITICAL THINKING FOR STUDENTS Abstract: Critical thinking is important to a citizen in an environment of globalization. The article aims to clarify the role, necessity and some methods of defining critical thinking for students, contributing to improving the quality of training students to meet the current human resources needs. There are 6 methods are proposed to train critical thinking for students. Keywords: Critical thinking, university, students, abilities, skills. 328
nguon tai.lieu . vn