Xem mẫu

  1. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP INNOVATION OF THE FINANCIAL AUTONOMY MECHANISM OF PUBLIC NON-BUSINESS UNITS Ngày nhận bài : 06/12/2021 ThS. Phạm Thị Minh Việt Ngày nhận kết quả phản biện : 16/12/2021 Trường Đại học Tài chính - Kế toán Ngày duyệt đăng : 22/12/2021 TÓM TẮT Thực hiện cơ chế trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Từ khi cơ chế tự chủ tài chính được áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu được quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ đến nay đã trải qua gần 20 năm, với nhiều lần sửa đổi, bổ sung và đã có những thay đổi tích cực, song để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả cần có những thay đổi về hành lang pháp lý nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và đáp ứng yêu cầu thực tế về giao quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay. Xuất phát từ những lý do trên, ngày 21/6/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng đổi mới của cơ chế tự chủ tài chính trong thời gian qua và đề xuất những kiến nghị nhằm thúc đẩy việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới. Từ khóa: Tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập ABSTRACT Implementing the mechanism of granting financial autonomy to public non-business units is a right policy of our Party and State in recent years. It has been nearly 20 years since the Government promulgated Decree No.10/2002/ND-CP dated January 16, 2002, implementing financial autonomy mechanism for income tax collectors. There are many amendments, supplements and, positive changes. But for more effectiveness, it is necessary to change the legal framework to overcome shortcomings, limitations and meet the real requirements of the public administrative unit’s autonomy assignment nowadays. For the above reasons, on 21 June 2021, the Government issued Decree No. 60/2021/ND-CP stipulating the financial autonomy mechanism of public non-business units. In this article, the author analyzes the innovation status of the financial autonomy mechanism in recent years and proposes recommendations to promote the assignment of financial autonomy to public non-business units in the future. Keywords: Financial autonomy, public non-business units 1. Đặt vấn đề Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL được hiểu là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công. Theo quy định hiện hành: “Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan. [5]. Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) được ra đời xuất phát từ công cuộc cải cách tài chính công theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 136/2001/TTCP ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Để triển khai chương trình cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL như Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 21
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN 16/01/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; nhằm mở rộng hơn nữa quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị SNCL, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công. Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL (có hiệu lực thi hành từ ngày 06/4/2015) thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2005. Cơ chế tự chủ tài chính được áp dụng cho các đơn vị SNCL đến nay đã gần 20 năm với nhiều lần sửa đổi, bổ sung và tạo những thay đổi tích cực trong công tác quản lý tài chính của các đơn vị SNCL song vẫn tồn tại nhiều hạn chế nhất định. Vì vậy, cần có sự đổi mới về cơ chế tự chủ tài chính nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, tăng cường tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL. Ngày 21/6/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở phân tích thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL trong thời gian qua và những đổi mới của cơ chế tự chủ tài chính được quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tác giả đề xuất những kiến nghị nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL trong thời gian tới. 2. Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị SNCL trong thời gian qua đã đem lại những kết quả quan trọng. Các đơn vị SNCL được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động trong việc sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường; từ đó góp tăng số lượng dịch vụ công, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải thiện điều kiện, tăng thu nhập cho người lao động, tăng cường tích lũy phát triển cơ cở vật chất cho đơn vị; phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý của người lãnh đạo. Số lượng biên chế các đơn vị SNCL đã giảm sau khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năm 2021 biên chế sự nghiệp là 1.783.174 người (bộ, ngành Trung ương là 116.698 người; địa phương là 1.666.476 người), giảm 242.703 biên chế so với năm 2015 (tương ứng giảm 11,98%), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19-NQ/ TW [6]. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị SNCL diễn ra còn chậm, chưa có tính đột phá, kinh phí hoạt động của các đơn vị SNCL vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước,... Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số lượng đơn vị SNCL đến tháng 3/2020 thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, số lượng đơn vị SNCL thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, có 3,45% số đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên (trên 2.000 đơn vị); 22,36% số đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (gần 13.000 đơn vị) [6], còn lại có hơn 74% các đơn vị SNCL được NSNN bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Việc giao cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị SNCL trong thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế sau: - Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cho cung cấp dịch vụ công về cơ bản vẫn theo yếu tố đầu vào, theo chức năng, nhiệm vụ, theo mức độ phân loại tự chủ ổn định trong 3 năm; chưa gắn việc giao dự toán với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; - Việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng sản phẩm dịch vụ công còn hạn chế: Số lượng danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN áp dụng các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu còn hạn chế và chưa được quy định rõ ràng, các định mức kinh tế - kỹ thuật còn thiếu gây khó khăn trong việc xác định đơn giá. - Việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. - Việc giao tài sản cho các đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp còn chậm; hệ 22
  3. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chưa tạo chủ động cho đơn vị SNCl; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, còn lãng phí, hiệu suất thấp, chưa hiệu quả, đặc biệt là nhà đất. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do các nguyên nhân sau: - Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình; trong 08 nghị định cần ban hành hướng dẫn Nghị định 16/2015/NĐ-CP, thì chỉ có 2 nghị định được ban hành (Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (hiệu lực từ ngày 01/8/2016 và Nghị định 141/2016/ NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác (Nông nghiệp và PTNN, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, Lao động và Thương binh – Xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác). - Nhiều lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới; chưa chủ động chuyển các đơn vị SNCL sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. - Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật chưa thường xuyên; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công còn phổ biến. Từ những hạn chế tồn tại trên, đòi hỏi cần có sự đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị. Xuất phát từ lý do đó, ngày 21/6/2021 Chính chủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công. 3. Điểm mới của cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị SNCL hiện nay So với Nghị định 16/2015/NĐ-CP trước đây, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và tạo hành lang pháp lý, gỡ khó cho các đơn vị SNCL thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, giúp cho các đơn vị SNCL đổi mới và phát triển. Những điểm mới của Nghị định 60/2021/NĐ-CP như sau: Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; theo đó, sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích đơn vị SNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính. Trước đây, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định đơn vị SNCL chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị SNCL (không phân biệt đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị do NSNN hỗ trợ một phần hay hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động). Việc chi trả thu nhập tăng thêm của người lao động sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính trong năm (sau khi tính toán cân đối chênh lệch thu, chi, nộp các khoản thuế cho Nhà nước theo quy định, mới được sử dụng từ quỹ bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động). Điều này chưa khuyến khích đơn vị SNCL và người lao động tăng cường khai thác nguồn thu ngoài NSNN. Thực hiện định hướng đổi mới theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 60/2021/ NĐ-CP đã quy định, từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị SNCL tự chủ ở mức cao (đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên) được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do NSNN bảo đảm chi thường xuyên chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành. Thứ hai, về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công. Nghị định 16/2015/NĐ-CP chỉ phân loại các đơn vị SNCL thành 4 nhóm gồm: (1) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Đơn vị sự nghiệp công 23
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên nhưng không đưa ra tiêu chí và điều kiện để phân loại. Tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đáp ứng mức tự chủ tài chính của từng nhóm và đặc biệt đối với đơn vị nhóm 3 được phân loại thành 3 mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và căn cứ vào đó để xác định mức tự đảm bảo của đơn vị mình thuộc vào mức nào. Đây là căn cứ quan trọng để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng thực hiện việc phân loại đơn vị SNCL khi giao tự chủ cho các đơn vị SNCL. Thứ ba, quy định cụ thể về nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tổng hợp chung tất cả các nguồn lực tài chính, chưa tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao (hoạt động cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sử dụng NSNN) và các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể, rõ ràng nguồn tài chính của đơn vị SNCL, tách rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sử dụng NSNN, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; thu từ cho thuê tài sản công (khoản 2 Điều 11). Việc tách rõ các nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị SNCL, làm cơ sở cho việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và mức hỗ trợ từ NSNN cho đơn vị SNCL sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp. Thứ tư, thay đổi lộ trình tính giá dịch vụ công sử dụng NSNN. Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định vào trong giá dịch vụ sự nghiệp công. Song thực tế vừa qua, việc thực hiện lộ trình tính giá cho dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại các đơn vị SNCL còn chậm, đồng thời Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng chưa quy định những trường hợp vì lý do khách quan chưa thể thực hiện lộ trình có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét xây dựng lộ trình khác. Vì vậy, để khắc phục hạn chế trên, Nghị định 60/2021 quy định đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí. Ngoài ra, Nghị định 60/2021 bổ sung thêm quy định cho trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác và trường hợp riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập không thực hiện được lộ trình. Thứ năm, bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp. Lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công rất phức tạp và đa dạng, mỗi ngành, lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, trước đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP làm Nghị định khung và yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, xây dựng cơ chế tự chủ riêng phù hợp với đặc điểm của từng, ngành lĩnh vực. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được ban hành đến nay, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đều chưa hoàn thành nhiệm vụ này (trừ lĩnh vực khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và lĩnh vực sự nghiệp kinh tế do Bộ Tài chính chủ trì), nhất là đối với 2 ngành, lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công là giáo dục đào tạo và y tế. Để sớm đưa Nghị định số 60/2021/NĐ-CP vào cuộc sống, Chính phủ đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ về tài chính của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số và lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Thứ sáu, bổ sung và thay đổi một số nội dung tự chủ trong sử dụng kinh phí NSNN và phân phối 24
  5. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN kết quả tài chính trong năm của các đơn vị SNCL theo hướng tăng tính tự chủ cho các đơn vị trong việc sử dụng kinh phí NSNN và phân phối kết quả hoạt động tài chính tương ứng với mức tự bảo đảm chi thường xuyên. Bổ sung các quy định về chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (tại Điều 13, Điều 17, Điều 21); quy định tự chủ chi tiền thưởng (điểm c khoản 1 Điều 16, điểm c khoản 1 Điều 20); quy định tự chủ chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 20). Về phân phối kết quả tài chính của đơn vị nhóm 2 : Điều chỉnh tỷ lệ trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định (điểm b khoản 1 Điều 14). Nghị định cũng quy định tiến tới sẽ không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-CP có hiệu lực. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trước đây quy định tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định (khoản 3 Điều 13). Về phân phối kết quả tài chính của nhóm 3 : Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo mức tự đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị thì tỷ lệ trích lập tương ứng 10%, 15% hoặc 20%. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định chung trích tối thiếu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tại điểm a khoản 3 Điều 14). Thứ bảy, bổ sung quy định tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh, liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu-chi từ hoạt động liên doanh, liên kết của đơn vị SNCL. Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị SNCL (điều 25), trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng đề án hoạt động liên doanh, liên kết; việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết;... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho các đơn vị SNCL đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội. Thứ tám, về giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công. Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời gian 3 năm (khoản 2 Điều 20). Nhằm tạo sự ổn định trong việc giao quyền tự chủ tài chính và khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ tài chính giảm bớt sự phụ thuộc kinh phí từ NSNN thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW: Đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016-2020. Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay đổi thời gian giao quyền tự chủ cho các đơn vị SNCL trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 35). Đồng thời, bổ sung thêm quy định lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (khoản 4 Điều 35). 3. Kiến nghị nhằm thúc đẩy việc đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL trong thời gian tới Sự ra đời của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý tài sản công; đặc biệt là đã khắc phục được những tồn tại hạn chế trong triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trong thời gian qua. Song để chủ trương đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ được đi vào thực tiễn, các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị SNCL cần triển khai thực hiện các nội dung sau: Thứ nhất, Nghị định 60/202/NĐ-CP quy định khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN làm cơ sở cho việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL, vì vậy đòi hỏi các 25
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN Bộ, ngành, địa phương cần rà soát các danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021. - Thứ hai, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định việc phân bổ, giao dự toán kinh phí NSNN cho các đơn vị SNCL theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Để thực hiện được cơ chế này, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần ban hành đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định của pháp luật về giá. Thực tế hiện nay, chỉ có một số Bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở tính giá dịch vụ sự nghiệp công như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 (cho đối tượng có thẻ BHYT) và Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 (cho đối tượng không có thẻ BHYT) quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, song vẫn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định của pháp luật về giá. - Thứ ba, để đảm bảo cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN của các đơn vị SNCL gắn với chất lượng dịch vụ đòi hỏi các Bộ, ngành cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đồng thời có cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý. - Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các nội dung được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị SNCL. Đồng thời, các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính của đơn vị làm cơ sở phân loại đơn vị theo mức tự chủ tài chính và xây dựng phương án tự chủ tài chính gửi cơ quan quản lý cấp trên theo đúng quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Tóm lại, chủ trương đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL mà trọng tâm là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, để chủ trương này pháp huy hiệu quả đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao không chỉ từ phía các cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự nổ lực, quyết tâm, đồng lòng của các đơn vị SNCL, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các đơn vị SNCL. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Chính trị (2016), Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của BCT về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 2. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. 3. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. 4. Chính phủ (2005), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. 5. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. 6. Nguyễn Lê Phương Anh, Nguyễn Thùy Linh, “Điểm mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021. 7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 Phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010. 26
nguon tai.lieu . vn